Liệu Mỹ có thoát ly được Trung Quốc?
Thế giới lại quay cuồng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung | |
Tương lai cho các thỏa thuận thương mại mới của Mỹ | |
Sự bùng phát của coronavirus còn gây chia rẽ Mỹ - Trung hơn là chiến tranh thương mại |
Từ những phát biểu mâu thuẫn…
Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro đã khiến các thị trường châu Á rúng động vào tối thứ Hai khi ông nói với Fox News Channel rằng, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã “kết thúc”. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm, trong khi đồng đôla bật tăng cùng các chỉ số đo lường sự biến động.
Tuy nhiên sau đó Navarro đã lập tức rút lại những phát biểu trên vào tối thứ Hai khi nói rằng ông đang đề cập đến sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc về sự bùng phát của coronavirus. Tổng thống Donald Trump cũng nhanh chóng tweet rằng, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nguyên vẹn.
Một ngày sau đó tức hôm thứ Ba, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đã ca ngợi Bắc Kinh, nói với Fox Business Network rằng “họ đã thực sự có cố gắng trong vai trò của mình” khi nói về thỏa thuận thương mại.
Nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả đại diện thương mại Lighthizer và Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây đều khẳng định nỗ lực của Trung Quốc trong việc đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà một trong những điều khoản là Trung Quốc tăng cường mua hàng nông sản và sản xuất, năng lượng và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike phát biểu trên chương trình phát thanh Hugh Hewitt hôm thứ Ba cũng cho rằng, kinh tế Mỹ đã “hòa nhập” với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ. “Chúng ta phải suy nghĩ về điều này theo cách mà nó phản ánh, bởi vì những thách thức của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đan xen sâu sắc với nền kinh tế Trung Quốc”, Pompeo nói và nhấn thêm rằng ông Trump quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Mnuchin khi trả lời câu hỏi về việc “tách rời” trong diễn đàn Bloomberg-Invesco cho biết, điều đó sẽ xảy ra nếu các công ty Mỹ không được phép cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Những bình luận này của các quan chức thuộc chính quyền Trump liên tục được đưa ra sau khi ông Trump phát biểu tuần trước rằng, việc “tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc” cũng là một lựa chọn, bác bỏ phát biểu trước đó của đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer với các nhà lập pháp rằng việc tách rời là không thực tế.
Tuy nhiên một người quen thuộc với cả suy nghĩ của Mỹ và Trung Quốc về thỏa thuận thương mại này cho biết, những bình luận của Navarro là “lỡ lời”, phản ánh quan điểm cá nhân của ông đối với Trung Quốc chứ không phải chính sách của Mỹ. Người này cũng cho biết, các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra rằng nhập khẩu tháng 6 từ Mỹ dự kiến sẽ cho thấy một sự gia tăng mạnh mẽ sau khi giảm trong những tháng gần đây do sự bùng phát của dịch bệnh.
… đến những thách thức thực tế
Quan điểm “cứng rắn với Trung Quốc” đã trở thành một nền tảng quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự lây lan của coronavirus đã giết chết hơn 120.000 người Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng một phần của thông điệp đó - rằng Mỹ có thể và sẵn sàng thoát ly khỏi nhà cung cấp lớn nhất của mình đang gặp nhiều thách thức trên thực tế.
Về thương mại, giao dịch song phương đang gia tăng trở lại sau khi đại dịch coronavirus bùng phát đã gây ra sự sụt giảm lớn ngay sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm. Theo số liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng lên tới 8,6 tỷ USD trong tháng 4 từ mức đáy là 6,8 tỷ USD trong tháng 2. Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã vọt lên tới 31,1 tỷ USD từ mức 19,8 tỷ USD trong tháng 3 - mức nhập khẩu hàng tháng thấp nhất trong 11 năm qua.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đã tăng lên 423.891 tấn trong tháng 4, nhiều gấp hơn gấp 2 lần so với con số 208.505 tấn trong tháng 3.
Trong khi đó, bất chấp đại dịch coronavirus các công ty Mỹ đã cam kết đầu tư trực tiếp 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc trong quý đầu năm nay, chỉ giảm nhẹ so với mức trung bình hàng quý của năm ngoái, Tập đoàn Rhodium cho biết trong một nghiên cứu gần đây - chỉ ra rằng rất ít công ty Mỹ đang muốn rút chân khỏi Trung Quốc.
Bill Reinsch - một cố vấn cấp cao và chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho biết, phải mất hơn 20 năm để các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển nên việc tách rời nhau không dễ thực hiện.
Trên thực tế cũng có một số công ty đang rời đi, nhưng không phải vì ông Trump mà chủ yếu vì mức lương tại Trung Quốc tăng và các chính sách của Trung Quốc đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, ông nói.
“Nếu bạn có thể ở Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc, bạn sẽ ở lại vì bạn không thể làm điều đó từ bên ngoài”, Reinsch nói, “Tổng thống không thể chỉ đơn giản là ra lệnh cho mọi người về nhà. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra các quyết định hợp lý và mang tính kinh tế”.