Cần áp dụng KPI cho tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh để tăng trưởng bền vững | |
Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng xanh | |
Đi tới thịnh vượng nhờ tăng trưởng xanh |
Chỉ có thể tiến lên phía trước
Phân tích của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Việt Nam đứng thứ 4 trong 164 quốc gia được khảo sát về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của khu vực sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỷ USD. Còn theo một báo cáo được công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%.
Không những thế, ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam chỉ ra, ô nhiễm môi trường còn gây rủi ro cao đối với khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam. Đơn cử như Thỏa thuận xanh của EU và Cơ chế Điều chỉnh carbon ở Biên giới sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu phải trả tiền tùy thuộc vào lượng khí thải carbon của họ. Việt Nam dễ bị tác động bởi các cơ chế này không phải vì Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng ví dụ như xăng dầu, khai thác mỏ mà vì mức phát thải cao trên mỗi năng lượng sử dụng trong sản xuất (cường độ carbon).
3 nhóm chỉ số Phát triển xanh của các tỉnh Trung Quốc |
Đáng nói là rủi ro khí hậu cao hơn dự đoán cách đây một thập kỷ với nhiệt độ và nước biển đang tăng nhanh hơn, thiên tai xảy ra thường xuyên với cường độ lớn hơn. Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự mong manh của cuộc sống trước những cú sốc bên ngoài, bao gồm cả rủi ro khí hậu. Chính vì vậy, hướng tới tăng trưởng xanh là cần thiết đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các tài sản thiên nhiên tiếp tục cung cấp các dịch vụ tài nguyên và môi trường mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào.
Đặc biệt với Việt Nam, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc hướng tới tăng trưởng xanh cũng là cơ hội sắp xếp lại cuộc chơi và cạnh tranh trên thế giới khi nhiều quốc gia được đặt cùng một vạch xuất phát. Việt Nam có thêm cơ hội đột phá từ tăng trưởng xanh nhờ vào việc triển khai các FTA thế hệ mới cùng cơ cấu dân số vàng, có khả năng thích nghi tốt với công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Tuấn cũng chỉ ra thách thức lớn nhất trên con đường này là cuộc đấu tranh giữa tư duy giữa “nâu” và “xanh”, đặc biệt nhiều địa phương mong muốn được thu ngân sách ngay với những dự án “nâu”; trong khi đó tăng trưởng xanh cần phải có tầm nhìn xa hơn.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Anh đến từ Đại học Indiana, Hoa Kỳ chỉ ra, hiện nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán hóa giải thách thức, sử dụng nguồn lực hiệu quả đạt mục tiêu đề ra. Yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cũng là một rào cản thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Quản trị thực thi cho tăng trưởng xanh
Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam chỉ ra tăng trưởng xanh là tối đa hóa sự giàu có chứ không nhất thiết là GDP. “Một trong những nhược điểm lớn nhất của GDP là coi các thảm kịch khí hậu là lợi ích kinh tế hoặc không xét đến toàn bộ thiệt hại do phá hủy các tài sản không thể tái tạo”, ông phân tích.
“Nếu chúng ta đo lường điều sai trái, chúng ta sẽ làm điều sai lầm. Nếu các thước đo của chúng ta cho chúng ta biết mọi thứ đều ổn trong khi thực sự không như vậy, chúng ta sẽ tự mãn”. Dẫn lời chủ nhân giải Nobel J. Stiglitz, ông Jacques Morisset đề xuất Việt Nam có thể theo chân một số quốc gia khác (như Úc, Costa Rica) trong việc kết hợp hạch toán vốn tự nhiên để cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về sự giàu có và tiến bộ phát triển so với các thước đo tiêu chuẩn như GDP.
Điều này cũng có nghĩa, việc xây dựng thước đo và giám sát thực thi đạt mục tiêu có ý nghĩa quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. “Bạn không đo được cái gì thì bạn sẽ không cải thiện được cái đó” dẫn lại lời của chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị Peter Drucker, ông Trần Ngọc Anh cũng khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng quản trị thực thi thay vì qua hệ thống báo cáo.
Trong đó việc xây dựng chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) được xem là nền tảng để thực hiện quản trị thực thi và hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Mô hình này đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng thành công trên thế giới như các nước OECD, Trung Quốc Mỹ, Liên hợp quốc...
Như Trung Quốc, từ việc tập trung vào GDP những năm 80-90 với các chỉ số kinh tế chiếm tới 60%, đến thập niên 2000 Trung Quốc đã hướng vào GDP xanh với các chỉ số kinh tế giảm còn 21%. Đặc biệt, từ năm 2011, Trung Quốc đã có bước đột phá khi đặt mục tiêu phát triển xanh với bộ chỉ số KPI cấp tỉnh gồm 60 chỉ tiêu đo lường tập trung vào 3 trọng tâm: Mức độ tăng trưởng xanh của nền kinh tế; Bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhóm chỉ số đo lường về hiệu quả thực thi của cấp trên.
Việc xây dựng được chỉ số KPI sẽ là nền tảng để triển khai quy trình quản trị thực thi với 4 bước: Giao việc đầu năm (trong đó giao nhiệm vụ, giao cách đánh giá); Theo dõi triển khai với việc sử dụng KPI và công nghệ số; Đánh giá thực hiện giữa năm và cuối năm; Khuyến khích thực thi với chính sách đãi ngộ và bổ nhiệm.
Khuyến nghị Việt Nam xem xét những kinh nghiệm về quản trị thực thi trên thế giới để học hỏi và áp dụng, ông Trần Ngọc Anh cũng đề xuất Việt Nam áp dụng 3 công cụ quản trị trong chuyển đổi số để tăng năng lực thực thi. Trong đó bên cạnh việc quản trị thực thi của các nhà quản lý cần có sự giám sát từ người dân đặc biệt là nên thành lập tổ thực thi để đột phá chiến lược. Vai trò của tổ thực thi không chỉ là xây dựng mục tiêu chiến lược, lên kế hoạch mà còn công bố mục tiêu, lấy ý kiến, công bố lộ trình, xác định KPI giám sát, triển khai, điều chỉnh, đánh giá đảm bảo cho việc thực hiện chiến lược, kế hoạch thành công tại từng địa phương.