Cần các chính sách khơi thông hoạt động doanh nghiệp
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
Ông đánh giá như thế nào về kết quả phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2024 mà chúng ta đạt được?
Trong báo cáo năm 2024, Chính phủ đã chỉ ra các triển vọng phát triển mới và tôi cũng rất đồng tình về vấn đề này. Chúng ta đang duy trì được đà tăng trưởng GDP, quý IV/2023 tăng 6,72%, sang quý I/2024 tăng 5,66% (GDP thường tăng thấp hơn vào đầu năm). Như vậy, đà tăng trưởng của năm 2023 vẫn đang tiếp nối sang năm 2024 là một tiền đề khá tốt. Thêm vào đó, một số tín hiệu của năm 2024 cũng được cải thiện tốt hơn, đặc biệt như các chỉ số về xuất nhập khẩu (xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 15,4%). Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu cũng là tín hiệu tốt thể hiện có hồi phục về nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất.
Đồng thời với đó, dự báo về kinh tế Mỹ cho thấy những tín hiệu phục hồi tiêu dùng khá tốt trong quý I vừa qua. Trung Quốc có dự báo năm 2024 khó khăn nhưng gần đây họ lại chuẩn bị thực hiện một gói phục hồi rất lớn. Tôi kỳ vọng gói phục hồi của Trung Quốc sẽ thúc đẩy thị trường này cải thiện và đây cũng là yếu tố để chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu sẽ tốt hơn.
Yếu tố nữa là đơn hàng của các doanh nghiệp đã bắt đầu gia tăng và chỉ số về quản trị mua hàng tháng 4 đã đạt trên 50 điểm. Đơn hàng của chúng ta tăng trong bối cảnh giá gia công của nhiều doanh nghiệp ký được đã cao hơn so với năm trước nên đây cũng là một tín hiệu khả quan.
Một điểm tích cực khác là giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm đã đạt 17,46%, cao hơn năm 2022, chỉ thấp hơn giai đoạn trước năm 2019. Nhưng trước đây quy mô giải ngân đầu tư công rất thấp còn giai đoạn này quy mô đầu tư công cao, nên giải ngân đầu tư công cao là một yếu tố thúc đẩy tổng cầu trong nước gia tăng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn |
Nợ công 2023 của nước ta xuống rất thấp, chỉ có 37%, thấp nhất từ năm 2008 đến nay, là dư địa rất tốt để chúng ta thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế.
Với những điểm mạnh như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%.
Vậy những điểm yếu kém và hạn chế của nền kinh tế hiện nay là gì, thưa ông?
Bên cạnh những điểm mạnh cũng có những điểm yếu cản trở tăng trưởng của nước ta. Thứ nhất, cầu trong nước suy giảm rất rõ, thể hiện ở hai chỉ tiêu là số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số quan ngại vì rất nhiều năm không xảy ra tình trạng này, kể cả thời kỳ dịch khó khăn. Thêm vào đó, tỷ trọng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất trong vòng nhiều năm. Bên cạnh đó, tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng trong nước quý I chỉ tăng 8,2% trong khi con số tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng giai đoạn bình thường trước dịch khoảng 9-12%. Đây rõ ràng là một yếu tố báo hiệu rằng cầu trong nước chúng ta suy giảm rất mạnh.
Thứ hai, trong giai đoạn trước, áp lực lạm phát là từ bên ngoài vào, nhưng 2024 áp lực lạm phát lại từ bên trong. Ngay trong quý I, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,77% so với cùng kỳ. Trong khi thông thường, chỉ số giá tiêu dùng quý I có xu hướng tăng bởi Tết, lễ hội nhiều, nhưng sau đó đến tháng 3 tháng 4 bắt đầu giảm xuống thì tháng 4/2024 lại cao hơn. Và như vậy, bốn tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 4%, cho thấy áp lực tăng giá rất lớn.
Nhìn ra kinh tế thế giới, hiện các vấn đề về chiến tranh hay các yếu tố địa chính trị vẫn phức tạp, khó lường, không mang lại kỳ vọng giá dầu sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta khi nó sẽ là yếu tố gây lạm phát chi phí đẩy. Trong khi đó, giá điện trong nước cũng không thể không tăng khi chúng ta chuyển mạnh sang sử dụng năng lượng sạch. Như vậy, các yếu tố chi phí đầu vào của chúng ta không thể giảm mà sẽ tăng và đây là những nhân tố thúc đẩy tăng giá của năm 2024, rất hiện hữu.
Mặc dù chúng ta đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2024 là tăng trưởng kinh tế, nhưng rõ ràng nếu để tình trạng lạm phát cao sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác cho nền kinh tế.
Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần điều hành các chính sách vĩ mô như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024?
Về chính sách tiền tệ, chúng ta đều biết rằng ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, nhưng không thể giảm mức lãi suất huy động quá thấp khiến chúng ta khó huy động được vốn cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, chúng ta phải xác định lãi suất cho vay ở một mức hợp lý và lãi suất huy động cũng phải trên mức mà chúng ta dự báo về lạm phát.
Nếu lãi suất huy động từ 5-6% thì chúng ta mới có thể duy trì được huy động và khi đó lãi suất cho vay tối thiểu khoảng 8%. Tôi cho rằng, 8% không phải là vấn đề khó với doanh nghiệp. Vấn đề là doanh nghiệp có tiếp cận được vốn hay không và có khả năng hấp thụ được vốn hay không chứ không phải vấn đề phải hạ lãi suất cho vay.
Nếu chúng ta duy trì được lãi suất cho vay ổn định khoảng 7-8%, tôi cho rằng các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ sẵn sàng chấp nhận và nó sẽ giúp đảm bảo cân bằng được giữa điều hành lãi suất và lạm phát. Do vậy, tôi cho rằng điều hành chính sách tiền tệ lúc này phải rất thận trọng chứ không nhất thiết cứ phải cố dùng mọi sức ép để giảm lãi suất.
Về chính sách tài khóa, cần tiếp tục các giải pháp vĩ mô mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội. Tuy nhiên, trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và đưa vào các cơ chế rõ ràng để thực hiện một cách hiệu quả, như đầu tư cho nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội hay chương trình chuyển đổi xanh…
Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện các giải pháp để kích cầu trong nước thông qua thực hiện các chính sách về tài khóa ngược mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các chương trình về giảm thuế, kể cả thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường hoặc những chính sách giãn, hoãn các khoản đóng tiền thuế đất...
Nhân đây, tôi cũng đề nghị trong kỳ họp này khi thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng thì không nên nghĩ đến chuyện tăng ở thời điểm này, mà cần các chính sách để làm thế nào khơi thông các hoạt động doanh nghiệp, tạo niềm tin để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Xin cảm ơn ông!