Cần chính sách để tạo cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở thực
Vẫn đang có sự lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản |
Nguồn cung tăng chậm
Theo Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021. Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tăng trung bình 23%; lượng tin đăng bán đất tăng 8%; bán đất nền tăng 6%; nguồn cung và nhu cầu tìm kiếm/mua đất, đất nền tăng tại hầu hết các tỉnh. Trong đó, tại Hà Nội mức độ quan tâm đối với loại hình chung cư tại Hà Nội tăng 23%, giá rao bán tăng 4% so với trung bình 12 tháng 2021, còn tại TP. Hồ Chí Minh mức độ quan tâm tăng 22% nhưng giá không đổi.
Có thể thấy nguồn cầu bất động sản của người Việt luôn ở mức cao và không ngừng gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá, nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua sẽ chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, chỉ tương đương giai đoạn cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2021, tổng nguồn cung mở bán ra thị trường khoảng 166.000 sản phẩm, nhưng có tới trên 118.000 sản phẩm cũ. Như vậy, nguồn cung ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây chứng tỏ nguồn cung bất động sản mới trong tương lai không còn nhiều.
Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung “nhỏ giọt” khiến giá bất động sản vượt xa thu nhập của người dân, người thực sự có nhu cầu mua để ở thật khó tìm được cơ hội. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Việc này sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở. Mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên, chị Ngọc Mai (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) có nhu cầu mua nhà ở thực đang rất lo lắng, trung bình giá nhà mỗi quý đã tăng từ 4-6% trong khi mặt bằng giá cũ đã không hề rẻ, với mức thu nhập của gia đình chỉ 20 triệu/tháng và 500 triệu tiền tiết kiệm thì nhà chị phải chờ đến hơn 10 năm mới có thể mua được nhà ưng ý. Nếu lựa chọn mua nhà ở xã hội hay những căn hộ ở xa trung tâm thì gia đình chị cũng tiết kiệm thêm đến 6 năm, thủ tục pháp lý cũng rườm rà, chưa kể việc đi lại, sinh hoạt của gia đình cũng rất bất tiện.
Thể chế, chính sách chưa theo kịp thị trường
Nhận định về những tác động xấu đến giá bất động sản, tại diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên diễn ra vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường bất động sản thời gian tới vấp phải các thách thức như nguồn cung sản phẩm sẽ chưa dồi dào ngay; giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh, trong 2 tháng đầu năm 2022 đã tăng 2%.
Ngoài ra, các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá không lành mạnh. Giá bất động sản vẫn tăng, đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, tình hình chiến sự Nga - Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn. Trong khi đó, giá cả, lạm phát sẽ còn tăng cao; lợi nhuận biên của các doanh nghiệp bị thu hẹp…, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Theo một chuyên gia kinh tế, trước thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kéo giá đất về đúng giá trị thật, có các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá cao để người dân bình thường cũng có thể mua 1 căn hộ chung cư của riêng mình.
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản như đánh thuế tài sản để chống đầu cơ, tránh bỏ phí tài nguyên đất đai… vừa gia tăng nguồn thu cho nhà nước vừa tái đầu tư dự án cho người dân có thu nhập thấp.
Để làm được điều này, ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản cần được khơi thông chính sách pháp lý vì thể chế vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thay đổi của thị trường bất động sản.
Để nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản, cần rà soát, sửa đổi bổ sung các các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014; rà soát sửa đổi các quy định của Luật Du lịch năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, các đạo luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành về kinh doanh bất động sản du lịch. Qua đó, bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản thông suốt, cạnh tranh lành mạnh…