Cần có chiến lược rõ ràng, minh bạch phát triển năng lượng tái tạo
Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo Phát triển điện gió ngoài khơi bền vững: Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ Vô vàn thách thức chuyển dịch cơ cấu nguồn điện |
Quang cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2023. |
Chiều 14/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương cùng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6, năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những hành động Việt Nam đã và đang triển khai trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Theo đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo...
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng có nội dung xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Theo bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời.
Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có hơn 100.000 điểm điện mặt trời mái nhà với công suất 9.608 MW sản lượng phát lên lưới đạt gần 13 tỷ kWh. Các địa phương có quy mô công suất lớn về điện mặt trời mái nhà là Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Long An...
Công suất đặt và sản lượng nguồn điện mặt trời, điện gió tăng nhanh với sự xuất hiện cơ chế khuyến khích sử dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Tỷ trọng sản lượng điện gió, điện mặt trời từ mức không đáng kể năm 2018 tăng lên 13,8% năm 2022. Sản lượng điện gió cao nhất vào các tháng 1, 2, 12. Sản lượng điện mặt trời cao nhất vào các tháng 3, 4, 5, 6. Quy mô đầu tư cho nguồn điện gió, điện mặt trời ước tính gần 20 tỷ USD. Dư nợ tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo tính đến cuối năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng GDP năm 2022.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, điện năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, cần có chiến lược rõ ràng, minh bạch thủ tục và giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng đề xuất, cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời; Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu; Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp; Tạo cơ hội lớn thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; Tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.
Ông Simon Kreye - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, vấn đề chuyển dịch năng lượng đang là nội dung được quan tâm. Đức tiếp tục là đối tác của các quốc gia đang phát triển, quốc gia có nền kinh tế mới nổi về hợp tác năng lượng và chuyển dịch năng lượng.
Việt Nam và Đức cũng triển khai lĩnh vực hợp tác này trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng ưu tiên trong hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Chính phủ Đức cũng có những hỗ trợ trong lĩnh vực hydro xanh, điện gió ngoài khơi nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như trung hòa carbon.
Theo ông Fabby Tuwina - Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu Indonesia (IESR), cần xây dựng lộ trình cụ thể nhằm cung cấp đủ tín hiệu thị trường để phát triển ngành công nghiệp sản xuất tấm quang năng. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của ngành công nghiệp hạ nguồn cung cấp nguyên liệu thô để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng.