Quảng Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8%
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam sở hữu nhiều lợi thế về địa lý và kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đặt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030.
Để đạt được điều đó, địa phương đề ra ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025 gồm: xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 và cải thiện môi trường đầu tư...
Trong thời gian qua, nhờ nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân… nền kinh tế Quảng Nam đã khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 5 năm 2020-2025, dự kiến khoảng 3,3%; Quy mô kinh tế năm 2025, dự kiến gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38 nghìn tỷ đồng so năm 2020… Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Dũng cho rằng, các hạn chế trong hạ tầng và chất lượng nhân lực vẫn đang là rào cản, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, trong khi chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của địa phương.
Quảng Nam nên chú trọng phát triển kinh tế biển, kết nối với trục đô thị động lực miền Trung... |
Trước thách thức này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo “Đổi mới các nhiệm vụ đột phá chiến lược vì sự phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Nam”, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và doanh nghiệp. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị, nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, và đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Quảng Nam cần tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, đồng thời thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo và đảm bảo các điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Sơn Nam, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, Quảng Nam nên chú trọng vào phát triển kinh tế đô thị biển, kết nối với trục đô thị động lực miền Trung từ Huế đến Quảng Ngãi. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển quần thể di sản Hội An - Điện Bàn - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm, nhằm xây dựng chuỗi đô thị du lịch đặc trưng miền Trung.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2024, với mục tiêu cụ thể: đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hơn 8% mỗi năm và đưa Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những mục tiêu đầy tham vọng này thể hiện quyết tâm của Quảng Nam trong việc chuyển mình, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển nhanh, mạnh và bền vững.