Cảnh báo tội phạm công nghệ cao
Ảnh minh họa |
Lừa đảo tinh vi
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận Công văn số 129/2018/CV-TA, của Tòa án nhân dân (TAND) quận Hải Châu về việc thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về tình trạng mạo danh là tổng đài của TAND quận Hải Châu gọi đến người dân, cơ quan, tổ chức yêu cầu... trả nợ.
Trước đó, trên địa bàn TP. Đà Nẵng liên tiếp xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo qua điện thoại một cách tinh vi, chiếm đoạt số tiền không nhỏ. Trong đó, có thể kể đến vụ việc của bà Lê Ngọc U. trú quận Hải Châu.
Theo đơn trình báo của nạn nhân, mới đây bà U. có nhận được một cuộc điện thoại từ số máy 0044283196661 gọi vào số máy cố định nơi bà công tác. Trong cuộc gọi, người gọi cho nạn nhân biết đang gọi từ TAND TP. Đà Nẵng, về việc có đơn khởi tố hình sự liên quan đến bà U. Sau đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại, số CMND... Người gọi còn hướng dẫn bà U. bấm phím số 9, để giải đáp thắc mắc.
Nạn nhân bấm số 9, thì bên kia đầu dây có giọng một người phụ nữ, thông báo là bà đang bị một mạng điện thoại đề nghị khởi tố vì còn nợ cước điện thoại với số tiền gần 8 triệu đồng. Khi bà U. đang phân bua rằng không có nợ nần gì, người phụ nữ bên kia đầu dây giải thích, có người mạo danh bà để đăng ký số điện thoại nói trên, đây là một hình thức mạo danh để làm những việc phi pháp.
Đang choáng váng không biết chuyện gì xảy ra, thì có một người đàn ông gọi vào số máy di động của bà U. rồi tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh. Sau khi làm cho nạn nhân tin tưởng cuộc gọi đang được thực hiện tại cơ quan điều tra, anh ta thông báo cho bà U. biết bà đang bị tình nghi trong đường dây buôn bán ma túy, với số lượng ma túy lớn. Anh ta còn chuyển qua zalo cho chị U. một tờ giấy có ghi là “Lệnh bắt khẩn cấp”.
Sau đó, anh ta hướng dẫn bà U. chứng minh mình vô can bằng cách... nộp tiền vào cơ quan công an để kiểm chứng. Tin lời, sau đó bà U. đã chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Lê Minh Dung, số tài khoản 020058758893 tại một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh... Khi nạn nhân biết mình bị lừa, thì đã muộn, bởi toàn bộ số tiền đã bị các đối tượng rút hết trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Bản thân người viết bài này, cũng từng bị các đối tượng gọi điện thoại 2 lần đến số máy cố định 0236 3898 1XX mạo danh là cán bộ tòa án. Lần đầu tiên là một đối tượng nam giả danh là cán bộ TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội). Và mới đây nhất là một giọng nữ gọi đến giả danh là cán bộ TAND quận Hải Châu. Cùng như vụ việc đối với nạn nhân Lê Ngọc U, đối tượng này đã hướng dẫn với người viết vui lòng bấm phím số 9, để được giải đáp thắc mắc.
Để tìm hiểu các chiêu thức của các đối tượng, cũng như củng cố thêm tư liệu, chứng cứ, người viết đã bấm số 9, thì tiếp tục nghe một giọng nữ khác tiếp chuyện. Sau một hồi hỏi chuyện qua lại, biết không dễ lừa nạn nhân “sập bẫy”, nên đối tượng bên kia đầu dây đã dập máy...
Người dân cần cảnh giác
Có thể nói, hiện tình trạng các đối tượng dùng các số điện thoại giả lập, như trường hợp dùng số điện thoại 00241129007, không đúng mã vùng của Việt Nam mạo danh các cơ quan nhà nước gọi điện đến các số máy điện thoại cố định yêu cầu trả nợ cước điện thoại... yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, đe dọa, yêu cầu cá nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân có chiều hướng gia tăng. Về phía các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, điều tra bắt giữ nhiều băng nhóm lừa đảo...
Tuy nhiên, do đặc tính môi trường Internet với sự kết nối đa chiều, tạo sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như, đặt hệ thống tổng đài tại nước ngoài, câu kết với tội phạm trong nước nên mức độ hoạt động ngày càng tinh vi hơn.
Theo ông Lê Sơn Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trên lừa đảo sử dụng công nghệ cao này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan truyền thông trong việc cảnh báo, nâng cao sự hiểu biết của người dân đối với loại tội phạm này.
Bởi vậy, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đã đề nghị, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình biết và cảnh giác đối với các tình huống nói trên. Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố tăng cường tin, bài phản ánh tình trạng lừa đảo qua điện thoại.
Trong đó, tập trung chú trọng thông tin cho người dân về tình trạng sử dụng dùng các số điện thoại giả lập mạo danh cơ quan nhà nước gọi điện đến các số máy cố định yêu cầu trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.
Về phía người dân, các cơ quan chức năng khuyến cáo khi có điện thoại gọi đến xưng danh cơ quan tổ chức như, công ty điện thoại, công an, tòa án... cần từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu có giấy mời hợp lệ ghi rõ thông tin cơ quan mời làm việc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như, số điện thoại, tài khoản, số CMND... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai sử dụng với mục đích gì.
Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản cần thông báo về cơ quan công an để có biện pháp theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, tuyệt đối tránh việc quá sợ hãi rồi chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng…