Cảnh giác phần mềm độc hại trên điện thoại
Báo cáo cho biết, 60% phần mềm độc hại (malware) nhằm vào các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android được thiết kế để đánh cắp tiền hoặc thông tin ngân hàng. Giống như những hoạt động trực tuyến khác, tin tặc đã chuyển sang tấn công điện thoại di động do ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet.
Loại malware được sử dụng nhiều nhất là Trojan-Banker
Theo kết quả của cuộc điều tra được thực hiện với những người đã đăng ký sử dụng phần mềm an ninh của Kaspersky, hơn 588.000 người sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android đã phải đối mặt với những cuộc tấn công về tài chính do các malware gây ra, tăng gấp 12 lần so với trước đó một năm.
Cũng theo báo cáo trên, việc tin tặc tạo ra nhiều phần mềm độc hại nhằm vào các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android là do điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng thường xuyên để thanh toán trực tuyến chi phí mua hàng hóa và các dịch vụ. Những phần mềm độc hại này có thể được cài đặt thông qua dịch vụ phần mềm Google Play cũng như các bên thứ ba như cửa hàng ứng dụng trực tuyến Amazon App store.
Những ứng dụng của bên thứ ba sẽ là mối đe dọa an ninh đối với những người cài đặt các ứng dụng từ những nguồn chưa được chứng thực. Những nguồn này có thể tự động cài đặt malware vào điện thoại của người sử dụng mà không cần sự cho phép của họ hoặc không cho họ biết.
Số liệu thống kê của Kaspersky cho thấy, phần lớn các nạn nhân có điện thoại di động bị tin tặc tấn công là ở Nga, ngoài ra còn có nhiều nước khác trở thành nạn nhân của những vụ tấn công này như Ukraine, Tây Ban Nha, Anh, Malaysia, Đức, Ấn Độ và Pháp...
Trong hơn 1 năm qua, người sử dụng điện thoại di động đã phát hiện khoảng 3,4 triệu malware được cài đặt vào điện thoại của họ và số vụ tấn công của tin tặc nhằm vào thiết bị trên đã tăng gấp 10 lần trong thời gian từ tháng 8/2013 đến tháng 3/2014 và loại malware được sử dụng nhiều nhất là Trojan-Banker, một phần mềm cho phép tin tặc tiếp cận các tài khoản ngân hàng.
Hoàng Giáp