Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao
Thay đổi “chiến thuật”, các đối tượng lừa đảo chuyển sang sử dụng các thủ đoạn mới như dùng công nghệ Al (Deepfake) để giả mạo luôn khuôn mặt, giọng nói (Deep voice) rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền, hay thậm chí là giả danh cơ quan công an yêu cầu phối hợp điều tra khiến không ít người tiếp tục “sập bẫy”.
Kẻ xấu sẽ tìm cách chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook của người dùng hoặc tạo lập tài khoản giả mạo trùng khớp mọi thông tin để sẵn sàng cho một kịch bản lừa đảo tinh vi. Để chiếm được sự tin tưởng, đối tượng lừa đảo lợi dụng thân phận người thân, bạn bè không ngại ngần thực hiện cuộc gọi video “cầu cứu”. Khi đó, cuộc gọi video hiển thị hình ảnh người quen của nạn nhân nhưng lại trong tình trạng mờ, nhiễu sóng, âm thanh không rõ ràng và bị tắt đột ngột phải chuyển sang tiếp tục nhắn tin vì lý do sóng yếu, 3G chậm. Các đối tượng cũng “đội lốt” công an, Viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến các vụ án, đường dây tội phạm. Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người bị hại chuyển tiền đến một tài khoản thứ 3 với mục đích tạm niêm phong để phối hợp điều tra, lấy lại sự trong sạch hoặc phải cung cấp mật khẩu, OTP để cơ quan điều tra liên kết với ngân hàng bảo vệ người dân. Với tâm lý “thấy mặt như thấy người” sau các cuộc gọi Deepfake, nhiều người sẵn sàng thực hiện chuyển khoản và đã mất một số tiền lớn.
Bà Nguyễn Thị Quý, trú tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An là một trong những trường hợp điển hình. Sau khi nhận được tin nhắn qua Messenger của con về việc cần một số tiền cho bạn vay chữa bệnh cho bố, bà Quý đã vội vã đến ngân hàng chuyển số tiền 100 triệu đồng cho con trai. Trong quá trình giao dịch, nhân viên Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Cẩm Vân đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường và hướng dẫn bà Quý gọi điện trực tiếp cho con trai để xác nhận thông tin. “Hôm đó là thứ Hai, lượng khách đến giao dịch khá đông, bà Quý liên tục hối thúc tôi cho bà làm trước bởi con trai đang nhắn tin giục chuyển gấp. Khi được bà Quý đưa tin nhắn trên Messenger xem tài khoản để chuyển tiền, đọc qua tin nhắn thấy những dấu hiệu bất thường, tôi trực tiếp trao đổi với bà về một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và hướng dẫn bà gọi điện trực tiếp cho con trai để xác nhận thông tin”, chị Vân kể lại.
Sau hai cuộc gọi, bà Quý đã nói chuyện được với con trai đang ở nước ngoài và biết tài khoản Facebook của con đã bị hack và các đối tượng dùng Facebook đó lừa đảo chuyển tiền, lúc đó bà Quý mới vỡ lẽ. Bà vui mừng vì may mắn không bị mất 100 triệu đồng trong chốc lát…
Vượt qua “kiếp nạn” Deepfake
Ngày nay, mọi người thường xuyên chụp ảnh, quay video ở nhiều góc độ, sắc thái khác nhau và chia sẻ công khai rộng rãi trên mạng xã hội. Đây trở thành “mỏ vàng” dữ liệu cho những kẻ xấu thu thập, dùng công nghệ Deepfake dựng các video giả mạo.
Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng. Về phía ngân hàng, Agribank tích cực cùng NHNN phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Việc đưa ứng dụng CCCD gắn chip trong hoạt động ngân hàng với các thông tin sinh trắc học giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng hiệu quả hơn, giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng “rác”, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật.
Đồng thời Agribank cũng liên tục gửi thông báo cảnh báo khách hàng có các biện pháp bảo mật tài khoản, cảnh giác cao độ khi giao dịch trực tuyến trên các kênh truyền thông chính thức của Agribank. Đội ngũ cán bộ đặc biệt là giao dịch viên Agribank quán triệt thực hiện nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền khuyến cáo người dân và rèn luyện kỹ năng tư vấn cảnh báo giúp khách hàng trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, Agribank trên toàn hệ thống đã giúp được gần 100 khách hàng thoát khỏi gần 100 vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng. Agribank cũng khuyến nghị các khách hàng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước mọi tin nhắn, cuộc gọi video vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội; không tin tưởng các yêu cầu đăng nhập website, đường link lạ, cung cấp thông tin, xác nhận nhận tiền; Chủ động liên lạc trực tiếp qua điện thoại cho người thân (không sử dụng các ứng dụng trực tuyến) để xác minh thông tin. Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Bảo mật tài khoản mạng xã hội, email bằng mật khẩu có độ khó cao; lưu giữ cẩn thận thông tin cá nhân.