Cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 4-8/3/2019
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/3 | |
Cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 25/2-1/3/2019 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 25/2-1/3 | |
Cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 11-15/2/2019 |
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất giảm nhẹ trên liên ngân hàng và chịu áp lực tăng ở kỳ hạn dài trên thị trường 1.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.011 tỷ đồng thông qua OMO, kênh tín phiếu duy trì số dư bằng 0 khi không phát sinh giao dịch nào. Sau 4 tuần hút ròng liên tiếp, khối lượng OMO lưu hành giảm nhanh từ hơn 150 nghìn tỷ đồng về mức gần 14 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất qua đêm dao động trong vùng 4%/năm, kết thúc tuần ở mức 3,98%/năm, giảm 17 điểm cơ bản so với cuối tuần trước.
Trên thị trường 1, lãi suất được duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài 18, 24, 36 tháng. Hiện lãi suất các kỳ hạn này dao động trong khoảng 7,6%-8,6% ở các ngân hàng để gia tăng lượng tiền gửi dài hạn.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng. Tỷ giá USD/VND giữ nguyên ở mức 23.150/23.250 đồng/USD trên liên ngân hàng và tăng 10 đồng ở chiều mua vào, không đổi ở chiều bán ra trên thị trường tự do, ở mức 23.205/23.220 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được nâng thêm 23 đồng/USD, lên mức 22.946 đồng/USD và 23.584 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ trong những ngày đầu tháng 3. Triển vọng khả quan về giải ngân vốn FDI, FII; chênh lệch lãi suất VND-USD được duy trì ở mức 1,5-1,7%/năm và sự ổn định của đồng CNY sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của VND trong thời gian tới.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng trên cả sơ cấp và thứ cấp.
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 9.000 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 5,10,15 và 20 năm. Ngoại trừ kỳ hạn 5 năm có tỷ lệ đăng ký cao và 1.000 tỷ chào thầu được bán hết thì tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu các kỳ hạn còn lại đều sụt giảm so với những tuần trước.
Hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm vẫn được gọi thầu nhiều nhất tuy nhiên chỉ có 67% được phát hành, tính từ đầu năm đến nay lượng phát hành của 2 kỳ hạn này là 27.400 tỷ đồng và 24.400 tỷ đồng, tương ứng 91,3% và 93,8% kế hoạch phát hành quý I/2019.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều nằm ở mức lãi suất đăng ký thấp nhất. So với phiên trúng thầu gần nhất, lãi suất kỳ hạn 10 năm, 20 năm giữ nguyên trong khi kỳ hạn 5 năm và 15 năm nhích tăng 7 điểm cơ bản và 2 điểm cơ bản.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp tăng từ 1-6 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, mức lợi tức hiện tại của các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm là 2,89%; 3,38%; 3,77%; 4,73% và 5,06%, hiện cao hơn so với lãi suất trúng thầu trên sơ cấp từ 3-7 điểm cơ bản.
Thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch đạt 42.000 tỷ đồng, giảm 26% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 539 tỷ đồng trong đó mua ròng 936 tỷ đồng ở các kỳ hạn 2-5 năm, 151 tỷ đồng ở kỳ hạn 10 năm, 53 tỷ đồng ở kỳ hạn 5-7 năm và bán ròng 602 tỷ đồng ở các kỳ hạn 15-30 năm. Việc bán mạnh kỳ hạn dài và mua vào kỳ hạn ngắn hơn sẽ giúp giảm bớt rủi ro lãi suất khi lợi tức trái phiếu có xu hướng đảo chiều.