Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 25/2-1/3
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/2 |
Tổng quan
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019. Trong tháng 2/2019, CPI của 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng so với tháng 1/2019 chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%, trong đó lương thực tăng 0,53%; thực phẩm tăng 2,13% làm CPI chung tăng 0,48%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, chủ yếu do giá gas tăng 3,51% (làm CPI chung tăng 0,04%) và giá điện sinh hoạt tăng 0,69%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,66%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%.
Mặc dù giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,4% (giá vé ô tô khách tăng 7,39%; giá vé tàu hỏa tăng 15,84%) nhưng nhóm giao thông chỉ tăng nhẹ 0,16% do giá xăng dầu được giữ ổn định nhằm bình ổn giá trong dịp Tết.
Riêng nhóm giáo dục giảm 0,47% (dịch vụ giáo dục giảm 0,55%) do TP.HCM giảm học phí theo Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND làm CPI chung giảm 0,03%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%.
CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019 làm CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 2/2019 tăng 0,9% so với tháng 12/2018 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 2/2019 tăng 0,48% so với tháng 1/2019 và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm.
Năm 2019, Quốc hội chốt chỉ tiêu tốc độ tăng CPI khoảng 4%. Đây là mục tiêu được đánh giá là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Trước đó, năm 2018 được coi là năm thành công trong kiểm soát lạm phát khi CPI năm này cán đích ở mức tăng 3,54%.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2019 ước tính đạt 14,6 tỷ USD, giảm mạnh gần 34% so với tháng trước đó do có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,68 tỷ USD, giảm đến 47,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,92 tỷ USD, giảm 27,4% so với tháng 1/2019.
Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng 1/2019, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 23,9%; sắt thép giảm 45,8%; giày dép giảm 49,1%; dệt may giảm 51,4%; thủy sản giảm 52,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2019 vẫn tăng 1,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3,2%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2019 ước tính đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 31,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,3 tỷ USD, giảm 23,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm, trong đó giảm mạnh ở một số mặt hàng như điện tử, máy tính và linh kiện giảm 10,1%; điện thoại và linh kiện giảm 22,2%; vải giảm 22,3%; chất dẻo giảm 34,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2019 tăng 10,4%. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cả nước ước tính nhập siêu 900 triệu USD trong tháng 2/2019 và nhập siêu 84 triệu USD trong hai tháng đầu năm, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,57 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,49 tỷ USD.
Mỹ và Trung Quốc vẫn lần lượt là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Trong 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 25/2 - 1/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm nhẹ qua các phiên, tuy nhiên phiên cuối tuần tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước tăng khá mạnh. Chốt tuần 1/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.923 VND/USD, tăng mạnh 17 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.561 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua chỉ biến động nhẹ quanh mốc tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Chốt tuần 1/3, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, giảm 17 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do diễn biến theo xu hướng giảm trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 1/3, tỷ giá giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.190 - 23.210 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND tất cả các kỳ hạn không xác định rõ xu hướng trong tuần vừa qua, tăng/giảm qua các phiên. Chốt tuần 1/3, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,02% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 4,12% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,18% (-0,06 đ điểm phần trăm); 1 tháng 4,28% (-0,08 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD biến động nhẹ qua các phiên trong tuần ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 1/3, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,48% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,58% (+0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,65% (không thay đổi) và 1 tháng 2,83% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 25/2 - 1/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu trên kênh cầm cố ở mức thấp với 27.000 tỷ đồng đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 18.972 tỷ đồng. Trong tuần có 28.681 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 9.710 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 18.972 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, tiếp tục chỉ có Kho bạc Nhà nước gọi thầu trái phiếu Chính phủ với khối lượng 5.250 tỷ đồng ở 3 loại kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 30 năm. Kết quả, Kho bạc Nhà nước huy động được 3.950 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu đạt 75%), trong đó kỳ hạn 10 năm huy động được 3.750 tỷ đồng, 2 kỳ hạn còn lãi mỗi kỳ hạn chỉ huy động được 100 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu giữ nguyên so với phiên trước đó, lần lượt tại 4,05%/năm; 4,7%/năm và 5,79%/năm.
Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số không xác định rõ xu hướng, tuy nhiên, VN-Index đã không giữ được mức tham chiếu. Chốt tuần 1/3, VN-Index đứng ở mức 979,63 điểm, giảm 9,28 điểm (-0,94%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,41%), lên mức 107,26 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao so với tuần trước đó với giá trị giao dịch ở trên 5.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 913 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tổng thống Donald Trump lại đưa ra khả năng từ chối thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu không đem lại lợi ích đủ lớn cho nước Mỹ.
Cũng trong tuần qua, Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế tiêu cực, đặc biệt là việc GDP giảm tốc và không đạt kỳ vọng 3,0% năm 2018 của Tổng thống Trump.
Tại Anh, giới chức nước này chuẩn bị bước vào thời điểm bỏ phiếu quan trọng nhất cho vấn đề Brexit. Hiện tại Thủ tướng Theresa May vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi nhận định từ các nhà lập pháp về bản dự thảo Brexit của bà. Có thể Anh vẫn rời EU ngày 29/3, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc bỏ phiếu nhằm quyết định việc gia hạn quá trình Brexit, trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua.
Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có một tuần ảm đạm khi lần lượt Úc, Nhật Bản và Trung Quốc cùng đón nhận những thông tin tiêu cực. Riêng đối với ngành sản xuất của Trung Quốc, tháng 2 đã đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp có sự thu hẹp, bất chấp những nỗ lực khôi phục từ phía Chính phủ.