Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/3 |
Tổng quan
Cán cân thương mại tháng 2 của Mỹ thâm hụt mạnh nhất trong vòng 10 năm kể từ suy thoái năm 2008. Theo Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/3, thâm hụt thương mại của nước này trong 2018 là 621 tỷ USD, tương đương 3% GDP của nước này (năm 2017 là 2,8% GDP); tăng 68,8 tỷ USD, tương đương tăng 12,5%, so với năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm hụt như vậy vẫn thấp hơn so với mức gần 6% trong thời gian một thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
Nếu chỉ tính thương mại hàng hóa, thì mức thâm hụt của Mỹ với phần còn lại của thế giới trong 2018 là 891,3 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy. Đặc biệt là, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc - mục tiêu chính trong chiến tranh thương mại của ông Trump - lập kỷ lục 419,2 tỷ USD, khi xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 34 tỷ USD trong năm vừa qua.
Theo giới phân tích, chương trình giảm thuế của ông Trump được cho là một nguyên nhân quan trọng đẩy nhu cầu hàng nhập khẩu tăng, trong khi đồng USD mạnh và thuế quan trả đũa nhằm vào hàng Mỹ gây sức ép giảm xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ do đầu tư bị đình trệ trước kết cục khó lường của cuộc chiến tranh thương mại.
Đối với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2018 đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,27% so với 2017 (2017 tăng 19,4%); trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 12,75 tỷ USD, tăng tới 36,42% so với năm 2017 (2017 tăng 4,4%). Tuy vậy, Việt Nam luôn có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ.
Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam với Mỹ trong năm 2018 đạt thặng dư gần 34,8 tỷ USD, bằng 73,2% trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Trong giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ bình quân đạt 16,3%/năm, từ 14,24 tỷ USD năm 2010 thì đến 2018 đạt 47,53 tỷ USD. Các năm có tốc độ tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao là năm 2011 tăng 18,9%, năm 2013 tăng 21,3%; năm 2014 tăng 20,1%.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hoa Kỳ vào Việt Nam có mức tăng bình quân 16,5%/năm, từ mức 3,77 tỷ USD trong năm 2010 lên mức 12,75 tỷ USD trong năm 2018.
Theo Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, năm 2017 Việt Nam là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 31 của Hoa Kỳ, chỉ chiếm 0,5% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Mỹ; xếp vị trí thứ 12, chiếm tỷ trọng 2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 2 của cả nước, cho thấy sau 2 tháng cả nước nhập siêu nhẹ 64 triệu USD.
Cụ thể, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,91 tỷ USD, giảm mạnh 37% so với tháng trước đó. Lũy kế 2 tháng, cả nước xuất khẩu đạt 36,12 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2018.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,67 tỷ USD trong tháng 2, giảm mạnh 31% so với tháng trước đó, tuy nhiên 2 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu 36,18 tỷ, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trên là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước vẫn tăng nhẹ 0,6%. Như vậy, tháng 2 cả nước nhập siêu 768 triệu USD, lũy kế 2 tháng nhập siêu 64 triệu USD.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 4-8/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng dần qua các phiên. Chốt tuần 8/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.946 VND/USD, tăng mạnh 23 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.584 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua biến động rất nhẹ xung quanh mức niêm yết mua giao ngay của Ngân hàng Nhà nước. Chốt tuần 8/3, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do dao động tăng/giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 8/3, tỷ giá tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.200 VND/USD - 23.230 VND/USD.
Với thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND giảm mạnh 2 phiên cuối tuần sau khi tăng nhẹ 3 phiên trước đó ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 8/3, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,84% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 3,90% (-0,22 điểm phần trăm); 2 tuần 4,06% (-0,12 điểm phần trăm); 1 tháng 4,20% (-0,08 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 08/03, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,50% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,61% (+0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,68% (+0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,84% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 4-8/3, Ngân hàng Nhà nước giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 15.000 tỷ đồng đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 13.961 tỷ đồng. Trong tuần có 18.972 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.010 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 13.961 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.200/9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, kỳ hạn từ 5 năm tới 20 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu, lãi suất trúng thầu tăng 7 điểm lên 3,7%/năm. Các kỳ hạn còn lại huy động được từ 40% đến 67% giá trị gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 20 năm giữ nguyên tại 4,7% và 5,56%/năm; kỳ hạn 15 năm tăng nhẹ 2 điểm lên 5,02%/năm.
Thị trường chứng khoán tuần qua giao dịch khá giằng co, VN-Index không thể vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm. Chốt tuần 8/3, VN-Index đứng ở mức 985,25 điểm, tăng 5,62 điểm (+0,57%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,90%), lên mức 108,22 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch ở trên 5.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 150 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, Mỹ và Trung Quốc có bước tiến mới khi nhất trí về các vấn đề về tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy các động thái muốn gỡ bỏ các vấn đề về thương mại giữa hai nước, đặc biết là các mức thuế đã áp lên hàng hoá của nhau kể từ “Chiến tranh thương mại”.
Trong tuần, Mỹ đón nhận thông tin kinh tế trái chiều, nổi bật là sự mạnh lên của thị trường lao động và mức thâm hụt thương mại lớn.
Liên quan đến các ngân hàng trung ương lớn, ECB của châu Âu và RBA của Úc cùng giữ mức lãi suất chính sách trong kỳ họp diễn ra tuần qua, cả hai tổ chức cùng nhận định kinh tế thế giới đang ở giai đoạn giảm tốc. ECB hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone còn 1,1% trong năm 2019, giảm 0,6 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. RBA kỳ vọng GDP Úc tăng trưởng 3,0% trong năm nay, đồng thời đạt được lạm phát mục tiêu 2% trong 2019 hoặc 2020.
Liên quan đến Brexit, không có nhiều tiến triển giữa Anh và EU những ngày qua, thị trường chờ đợi kết quả các cuộc bỏ phiếu quan trọng sẽ diễn ra tuần này.
Úc cũng đón nhận các thông tin kinh tế trái chiều, điểm nóng là GDP quý IV/2018 chỉ tăng 0,2% so với dự báo 0,5%.
Trung Quốc tuần qua cũng ra báo cáo triển vọng kinh tế tăng 6 - 6,5% cho năm 2019, đồng thời cho biết xuất khẩu tháng 2 vừa có tháng giảm mạnh 21% xuống mức thấp nhất 3 năm trở lại đây.