Chân dung một người vẽ chân dung
Tôi gặp họa sĩ Chu Lượng vào ngày cuối của cuộc triển lãm, thấy hầu hết các bức tranh của ông đã được “gắn nơ”, tức là đã có người sở hữu. Điều đó cho thấy những bức tranh của họa sĩ - NSƯT Chu Lượng thực hiện trong 2 năm qua đã được đón nhận nhiệt tình. Tất nhiên, đa số người sở hữu bức tranh là chính những người phụ nữ đã nhờ ông vẽ, hoặc được ông chọn để thể hiện. Chu Lượng bảo, khi bày triển lãm, có những bức ông phải mượn lại từ một số “nhân vật”. Cũng có bức, khi bày triển lãm, lại được một vài nhà sưu tập hỏi mua, vì nhận ra giá trị của tác phẩm. Điều đó cho thấy bức tranh ấy đã vượt qua những “đặt hàng” để có thể sống một đời sống riêng, như một tác phẩm mỹ thuật độc lập.
Một tác phẩm của họa sĩ Chu Lượng vẽ chân dung một phụ nữ Hà Nội trong mùa hoa loa kèn |
Nghệ sĩ Chu Lượng thừa nhận, sở trường của ông không phải vẽ chân dung, nhưng từ tình cảm với bạn bè, những người xung quanh, ông mạnh dạn cầm cọ. Còn nhớ hồi tháng 3/2016, cũng tại địa chỉ 45 Tràng Tiền (Hà Nội), ông đã bày cuộc triển lãm “Chu Lượng và những người bạn”. Ở đó, chân dung những nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Bảo Ninh…, các họa sĩ Thành Chương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ... đã được Chu Lượng vẽ chân dung khá sinh động.
Khi đó, ông bày tỏ, tình bạn là một giá trị văn hóa vô cùng cao quý. Vì thế, những khi trống vắng, mở điện thoại ra, những gương mặt bạn bè mà ông ngưỡng mộ, khâm phục cứ dần hiện ra. Chính vì vậy, Chu Lượng chợt nghĩ phải vẽ họ và bắt đầu tranh thủ từng giờ, từng phút để vẽ những người bạn, ông thường vẽ các bạn ngay tại phòng làm việc ở cơ quan. Sau đó, được những người bạn trong nhóm nhân sĩ Hà Đông khích lệ, Chu Lượng vẽ được nhiều hơn và quyết định làm triển lãm để tri ân những người bạn, để tạo ra cơ hội được gặp bạn bè đông đủ nhất, “bởi con người có nhau được sống ở trong nhau...”.
Lần này, Chu Lượng lại thực hiện một cuộc thử sức mới, có phần áp lực hơn. Đó là vẽ chân dung phụ nữ. Khởi đầu ông chỉ dám vẽ về những người quen biết. Sau khi đăng một số bức chân dung lên Facebook, nhiều người đã chủ động tìm đến họa sĩ để bày tỏ được làm nhân vật trong tranh của ông.
“Khi tôi vẽ tôi luôn cân nhắc, tính toán rất kỹ. Mỗi nhân vật tôi vẽ hai bức tranh, một bức cho nhân vật và một bức cho tôi. Bởi nếu ta vẽ chiều nhân vật thì lại mất đi tính nghệ thuật. Mới đầu tôi vẽ bằng sự đam mê, bằng cảm thụ của nghệ thuật. Người họa sĩ phải sống với nhân vật đó”, họa sĩ, NSUT Chu Lượng cho biết thêm. Ông tâm sự: “Vẽ chân dung, đặc biệt là đề tài phụ nữ bao giờ cũng hấp dẫn giới nghệ thuật. Tôi là người tay ngang khi gắn bó nhiều năm với nghệ thuật múa rối nước và muốn chạm thử đề tài này một lần. Khai thác đề tài phụ nữ không chỉ là giản dị mà còn là ẩn số, kể cả những họa sĩ lớn nhất thế giới cũng chưa thể giải mã được. Từ đam mê vẽ gương mặt con rối, gương mặt bạn bè sau triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” vào năm 2016, tôi có ý tưởng vẽ chân dung phụ nữ nhưng trong 2 năm dịch Covid-19 mới có thời gian để thực hiện”.
Với mỗi người phụ nữ, Chu Lượng vẽ 2-3 bức tranh, một bức chiều theo ý nhân vật, còn lại là ông vẽ theo cảm quan và cá tính của mình. NSƯT Chu Lượng lý giải, đồng thời chia sẻ thêm, ông vẽ người phụ nữ trên tinh thần của nghệ thuật múa rối nước, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất, hệt như khi vẽ rối nước. "Người phụ nữ phải lo toan rất nhiều việc, biết bao nhiêu mối quan hệ nên làm toát lên vẻ đẹp nội tâm của họ thực sự khó. Tôi không vẽ hình hài bên ngoài mà vẽ nội tâm, mong muốn, khát vọng của nhân vật”, nghệ sĩ Chu Lượng nói.
Khi thực hiện dự án vẽ chân dung những người phụ nữ, Chu Lượng nói, ông đối diện 3 “áp lực”: làm hài lòng nhân vật; thỏa mãn sự sáng tạo của cá nhân; và cuối cùng là sự đánh giá của những người làm nghề. Trong đó, làm sao thỏa mãn cái tôi, cá tính của mình là điều khiến ông cảm thấy “áp lực” nhất.
Xem tranh của Chu Lượng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: "Vẽ chân dung là việc thông thường của mỗi họa sĩ. Nhưng khi Chu Lượng vẽ chân dung thì tôi nhận ra một tinh thần khác”. Là người cũng cầm cọ vẽ theo lối “nghiệp dư” mấy năm nay nhưng gặt hái thành công, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc Chu Lượng chọn đề tài vẽ về những người phụ nữ là một thách thức. “Người phụ nữ nào muốn Chu Lượng vẽ đều mong ước nhan sắc của họ vĩnh hằng trên đường nét và màu sắc của Chu Lượng. Chu Lượng như thấu hiểu điều đó. Anh không bỏ sót bất cứ điều gì làm nên vẻ đẹp nhan sắc họ. Nhưng trong sâu thẳm, Chu Lượng dày công đi tìm một vẻ đẹp khác của họ - vẻ đẹp người”, ông Thiều nói.
Cũng cần nói thêm một chút về chân dung người đàn ông đam mê vẽ chân dung phụ nữ Việt. Trước khi đến với giá vẽ, NSƯT Chu Lượng nổi tiếng với nghệ thuật múa rối. Ông từng tâm sự: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật múa rối. Tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha của mình là họa sĩ Chu Mạnh Chấn. Ông là người say mê vẻ đẹp thuần khiết của con người, làng quê Việt cổ. Cha tôi lưu giữ vẻ đẹp ấy bằng nét cọ với những cảnh xưa đã mất, thể hiện điều đó qua những bức tranh sơn mài khổ lớn. Còn tôi thì lưu giữ vẻ đẹp của người nông dân qua tạo hình những con rối”.
Suốt nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật múa rối nhưng đến giờ, niềm đam mê với môn nghệ thuật này vẫn rất đặc biệt với nghệ sĩ Chu Lượng. Trong lĩnh vực này, ông để lại nhiều dấu ấn sáng tạo. Những con rối do Chu Lượng thiết kế không chỉ kế thừa giá trị truyền thống của ông cha, mà còn nâng tầm lên, để con rối trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, phù hợp với đời sống đương đại. “Tôi cũng đọc nhiều tư liệu của nhà sưu tầm Nguyễn Huy Hồng về những giá trị cốt lõi nhất của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê Bắc bộ. Nét sinh hoạt văn hóa đời thường của làng quê cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân đã tác động vào tôi, ngấm vào tôi, giúp tôi thể hiện những con rối nước giản dị, mộc mạc”, Chu Lượng chia sẻ.