Chất lượng hàng hóa: "Giấy thông hành" cho doanh nghiệp tham gia EVFTA
Thực thi EVFTA: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm | |
EVFTA chính thức có hiệu lực: Hiện thực hóa tiềm năng hợp tác | |
EVFTA có hiệu lực từ 1/8: Cột mốc trọng đại |
Ảnh minh hoạ |
Thách thức khi vào thị trường “khó tính”
Đến nay, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA đã chính thức có hiệu lực được 10 ngày. Tuy nhiên, thuận lợi đã rõ nhưng để giải quyết nhanh những thách thức và đưa hàng Việt Nam tiến xa trên thị trường quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tuy nhiên đây cũng là thị trường “khó tính” khi có hàng loạt quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, buộc nhà xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Đơn cử, quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm; chứng nhận thực hành sản xuất; đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất trong phạm vi các nước thành viên EVFTA hoặc nhập nguyên liệu từ các nước đã có EVFTA với EU; những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ…
Hiện nay, nông sản là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Và khoảng 5% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng có những mặt hàng tương tự.
Không chỉ nông sản, khó khăn cũng đến với ngành dệt may, da giày khi Việt Nam đang phải nhập đến 80% vải cho hàng may xuất khẩu như Trung Quốc, Đài Loan... Trong khi đó, các quốc gia này không tham gia hiệp định thương mại. Về sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt may chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi. Điều này, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu của EU về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam, hiện tại có đến 93% doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, khối lượng gỗ nhập khẩu hằng năm rất lớn. Vì vậy, lựa chọn thị trường nhập khẩu gỗ để bảo đảm 100% là gỗ sạch, đáp ứng đúng tiêu chuẩn mà EVFTA mang lại là điều không hề dễ dàng. Đây là mối lo ngại chung của hầu hết doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước.
Siết chất lượng, kiểm soát tốt nguồn gốc
Nhìn tổng thể, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến. Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Phải quản lý theo chuỗi thì việc truy xuất nguồn gốc mới có giá trị, và cần tổ chức sản xuất sạch trước rồi mới đến truy xuất, vì truy xuất nguồn gốc mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Đối với bài toán nguồn gốc nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Doanh nghiệp cần chuyển hướng sang sử dụng vải của mình hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên EU để đáp ứng các yêu cầu xuất xứ hàng hóa. Việt Nam buộc phải cải cách, vươn lên và đầu tư vào các sản phẩm dệt để sản xuất ra vải nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Tương tự đối với ngành thực phẩm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: Quan trọng nhất trong truy xuất nguồn gốc là phải có sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hoặc quy trình sản xuất sạch có nhật ký ghi chép. Khi đã sản xuất sạch, hàng hóa sẽ luôn tạo được niềm tin với người tiêu dùng, cạnh tranh được ngay ở thị trường nội địa, thì mới có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU.
Không thể để xảy ra tình trạng như thời gian trước, khi truy xuất nguồn gốc một đằng, nhưng đưa ra sản phẩm lại một nẻo, tức là không hình thành chuỗi sản phẩm. Ví dụ như tại TP HCM khi truy xuất nguồn gốc lợn thì thấy vòng đeo chứng nhận của lợn có nguồn gốc nuôi ở Đồng Nai nhưng thực tế lại ở Long An.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo các chuyên gia đánh giá, Đề án này không chỉ là hướng đi đúng đắn cho thị trường trong nước mà cũng tạo ra cơ hội lớn để hàng hoá Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của thị trường khó tính như EU.
Hiện, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều nhưng EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn trước. Theo TS. Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp phải xem EVFTA là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Rào cản thương mại chỉ làm doanh nghiệp mạnh lên chứ không hề yếu đi. Có thể những quy định của EU chúng ta khó đáp ứng được ngay nhưng sau đó sẽ làm được.