Chỉ riêng ngành Ngân hàng khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu năm 2023 Năm 2024, quyết tâm thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế |
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh:
Cần tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, cần có các giải pháp khác chứ riêng ngành Ngân hàng không thể thúc đẩy. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ với thị trường bất động sản, nếu tháo gỡ pháp lý thì giải ngân tín dụng sẽ tăng rất nhanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo. Đây là vấn đề rất khó khăn của các ngân hàng, nhất là đề nghị phối hợp xử lý các hội nhóm “bùng nợ”, với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng chúng tôi đã giảm khoảng 3.000 nhân sự thu nợ vì họ lo sợ, trong khi rất khó tuyển người mới.
Đối với NHNN, VPBank có một số đề xuất như đề nghị NHNN gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để hỗ trợ cho ngân hàng, doanh nghiệp ít nhất đến 30/6; mở rộng đối tượng gói hỗ trợ lãi suất 2% cho vay tín dụng xanh; xem xét hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng...
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng:
Ngân hàng cần chung tay hỗ trợ xử lý, thu hồi nợ
Tính đến thời điểm này, TPBank tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, và trong hai tháng gần đây tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn trước đây, bình quân mỗi tháng khoảng 0,11%. Có thể nói thời gian qua, tăng trưởng tín dụng khó khăn do cầu tín dụng yếu, bất động sản đóng băng. Những phân khúc khách hàng cần là nhà thu nhập thấp thì nhu cầu cao nhưng do giá “ảo”, điều kiện khó khăn không tiếp cận được, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Ngay cả với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngân hàng chúng tôi đã đăng ký tham gia cùng 4 NHTM Nhà nước nhưng đến thời điểm hiện tại mới tham gia được một dự án ở tỉnh Bình Định và chưa giải ngân do đang chờ thủ tục.
Thị trường bất động sản chiếm đến 1/4 tổng dư nợ của nền kinh tế, chưa kể nó còn liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác. Lực lượng lao động khi thị trường đóng băng cũng bị mất việc làm, giảm thu nhập. Cầu tín dụng bất động sản yếu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng chung toàn Ngành mà có nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng cao.
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến nợ xấu là các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Trong cho vay tín chấp thì công tác đòi nợ và thu hồi nợ là rất quan trọng, nhưng chính quyền địa phương chưa ủng hộ. Hiện ngân hàng rất lo lắng khi Nghị quyết 42 đến 31/12/2023 là hết hiệu lực. Nếu sang năm, Luật Các TCTD sửa đổi được thông qua thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ, kể cả có tài sản bảo đảm. Ngân hàng mong các bộ, ngành chung tay giúp các ngân hàng để quyền của người cho vay được đảm bảo hơn thì mới dám cho vay, để tín dụng đen không hoành hành.
Phó Tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng:
Cần tối ưu chi phí cho doanh nghiệp từ chính sách tài khóa
Năm 2023, tình hình rất khó khăn. Kết quả làm việc với khách hàng doanh nghiệp cho thấy tình hình không khả quan, nhất là các khách hàng trong ngành dệt may giảm doanh thu đến 30-40%.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã rất chung tay, tích cực hạ lãi suất, góp phần tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Tại Techcombank, tính đến tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 13,7%. Ngân hàng đang bám sát kế hoạch NHNN đã giao và sẽ tiếp tục giải ngân cho các doanh nghiệp trong tháng 12 này.
Đi sâu vào vấn đề lãi suất, hiện mặt bằng lãi suất của các nước trên thế giới đều đang rất cao. Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi quản lý được lãi suất, tỷ giá giữ được ổn định, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Từ đầu năm đến nay, Techcombank đã giảm lãi suất 6 lần, tổng mức giảm trung bình 3-4%/năm, qua đó giúp tối ưu chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, muốn tối ưu chi phí cho doanh nghiệp hơn nữa vẫn còn có rất nhiều giải pháp từ chính sách tài khóa. Chẳng hạn, các nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí trực tiếp cho các ngành, nghề…
Việc huy động vốn cho trung, dài hạn có mức độ rủi ro cao hơn, lãi suất cũng cao hơn. Mặt khác, tính khả thi của các dự án cũng khó đánh giá nên cần đa dạng hóa các kênh cấp vốn, chẳng hạn như thị trường trái phiếu cần được quan tâm hơn. Ngân hàng mong muốn Bộ Tài chính, NHNN cân nhắc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu riêng lẻ không bị giới hạn thời gian 1 năm để góp phần thúc đẩy thanh khoản cho thị trường.
Đối với thị trường bất động sản, Techcombank cũng đang tích cực làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương để triển khai ở các dự án. Ngân hàng đề nghị UBND các tỉnh đẩy nhanh tiến độ, công khai các dự án để ngân hàng tham gia được nhiều hơn, thủ tục pháp lý dễ dàng hơn.
Thủ tục hoàn thuế cũng đang chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền và cũng ảnh hưởng đến cấp tín dụng. Việc đẩy nhanh quá trình này sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng.