Chiến thắng của BoJ trước tình trạng giảm phát sẽ mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất
Kinh tế ảm đạm cản trở NHTW Nhật tăng lãi suất Nhật Bản: Lạm phát cơ bản tăng tốc trong tháng Bảy |
Chiến thắng của BoJ trước tình trạng giảm phát sẽ mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất |
Xem xét lại chính sách nới lỏng
Trong một đợt đánh giá chính sách trước đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã đề cập đến sự thay đổi đáng kể về hành vi của người tiêu dùng. Những phát hiện này sẽ làm nổi bật cách BoJ đang thay đổi từ chính sách kích thích tiền tệ của cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda sang chính sách bình thường hóa nhắm vào lãi suất ngắn hạn.
Trong đợt đánh giá này, BoJ mà dẫn đầu là Thống đốc Kazuo Ueda đã xem xét những ưu và nhược điểm của các bước nới lỏng tiền tệ được thực hiện trong 25 năm qua, và sẽ không có bất kỳ tác động nào đến chính sách tiền tệ trong tương lai.
Tuy nhiên kết quả vẫn chưa được công bố đầy đủ, nhưng có thể sẽ đưa ra một sự thay đổi mô hình cho các ý tưởng của ngân hàng trung ương này xung quanh diễn biến lạm phát.
"BoJ đang sử dụng ý tưởng về chuẩn mực xã hội đang thay đổi của Nhật Bản để củng cố dự báo rằng lạm phát sẽ ổn định ở mức 2% trong những năm tới - một điều kiện tiên quyết để tăng lãi suất", cựu quan chức BoJ Nobuyasu Atago, hiện là nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh tế, Rakuten Securities nói.
Hai nguồn tin quen thuộc với của BoJ cho biết đợt đánh giá này sẽ giúp ngân hàng trung ương chứng minh rằng nền kinh tế Nhật Bản có thể chịu được tác động của việc tăng đều lãi suất từ mức gần bằng 0 hiện tại.
"Thông điệp chính là tình trạng giảm phát của Nhật Bản đã thay đổi. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là Nhật Bản đã sẵn sàng cho điều kiện lãi suất cao hơn", một trong những nguồn tin cho biết.
Theo gói kích thích "bazooka" của cựu Thống đốc Kuroda được triển khai vào năm 2013, BoJ đã "tìm đường" thoát khỏi giảm phát bằng cách nới lỏng tiền tệ ồ ạt và đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong khoảng hai năm gần đây.
Tuy nhiên, kết quả đạt được lại nhờ vào các yếu tố bên ngoài như hạn chế nguồn cung do đại dịch và xung đột ở Ukraine gây ra, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao và duy trì lạm phát ở mức trên 2% trong hơn hai năm.
Hiện tại, ngân hàng trung ương đã chỉ ra những thay đổi trong hành vi của các hộ gia đình và công ty để giải thích nguyên nhân, theo lời của Phó thống đốc Shinichi Uchida: "lần này thì khác" trong cuộc chiến kéo dài của Nhật Bản với tình trạng giảm phát.
Nhật Bản đang trên bờ vực xóa bỏ "chuẩn mực giảm phát", hay nhận thức của các hộ gia đình và công ty rằng giá cả và tiền lương sẽ không tăng nhiều, Uchida cho biết trong bài phát biểu vào ngày 27/5 và mô tả những thay đổi trên thị trường lao động là mang tính cấu trúc và không thể đảo ngược.
Thật vậy, người tiêu dùng Nhật Bản dường như đang từ bỏ quan điểm cố hữu từ lâu được hình thành sau cuộc suy thoái những năm 1990 rằng giá cả sẽ không bao giờ tăng nữa.
"Tôi nghĩ lạm phát sẽ kéo dài trong một thời gian và giá sản phẩm sẽ tăng cao hơn nữa. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho điều đó", Aki Kuramoto, một nhân viên văn phòng 55 tuổi nói khi đang mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo và cho biết đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mà giá cả sẽ tiếp tục tăng.
Chuẩn bị cho sự thay đổi
Theo các nguồn tin, quan điểm về nhận thức lạm phát của Phó thống đốc Uchida, người đã dành phần lớn sự nghiệp ngân hàng trung ương của mình để chống lại tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài, phản ánh động lực chung của bài đánh giá về những thay đổi mang tính cấu trúc trong nền kinh tế.
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chủ yếu bằng phẳng hoặc âm, lạm phát cơ bản hiện đã duy trì trên mục tiêu 2% của BoJ trong hơn hai năm và chạm 2,6% vào tháng Sáu.
Thật vậy, đã qua rồi cái thời các công ty có thể thuê nhân công với mức tăng trưởng tiền lương gần bằng không. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng do dân số già hóa nhanh chóng, các công ty Nhật Bản đã đưa ra mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ qua trong năm nay.
"Các công ty dễ dàng tăng giá hơn nhiều", chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, Yoshiki Shinke nói và thêm rằng: "Xu hướng này có tiếp tục hay không sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của tiêu dùng".
Bài đánh giá cũng làm sáng tỏ những tác động phụ của các biện pháp kích thích trong quá khứ. Trong một số nghiên cứu được tiến hành như một phần của đợt đánh giá, BoJ cho biết lợi nhuận của các tổ chức tài chính đã giảm mạnh trong 25 năm qua do lãi suất thấp kéo dài ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Đợt đánh giá của BoJ sẽ không dẫn đến thay đổi mục tiêu lạm phát 2% hoặc khuôn khổ chính sách kết hợp đánh giá về kịch bản kinh tế cơ bản với rủi ro tài chính của ngân hàng.
Nhưng nó phản ánh quyết tâm của ngân hàng trong việc đưa lãi suất ngắn hạn xuống mức không làm "nguội" và cũng không kích thích tăng trưởng - được các nhà phân tích dự đoán ở đâu đó giữa 0,5% - 1,5%.
Mặc dù kết quả đầy đủ của đợt đánh giá sẽ không được công bố cho đến cuối năm nay, nhưng một số phát hiện đã được công bố nêu bật tiến trình mà Nhật Bản đang đạt được trong việc đạt được chu kỳ mà giá cả tăng sẽ đẩy tiền lương lên - một điều kiện tiên quyết để tăng lãi suất.
Một cuộc khảo sát được thực hiện với 2.509 công ty được công bố vào tháng Năm cho thấy nhiều công ty coi một nền kinh tế mà giá cả và tiền lương đều tăng là thuận lợi hơn so với nền kinh tế mà cả hai đều trì trệ.
Junya Oyama, nhân viên 56 tuổi tại một nhà sản xuất thiết bị điện tử, cho biết mặc dù mức tăng lương của ông không theo kịp mức tăng giá chung, nhưng đối với ông, lạm phát vẫn ở mức có thể chấp nhận được.
"Những người trẻ có thể thấy khó khăn khi đối phó với giá cả tăng cao, nhưng giá cả cao hơn không gây ra nhiều rắc rối cho tôi và vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được", ông nói.