Chính sách đảm bảo hài hòa mục tiêu
Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ Chính sách tiền tệ: Tiếp tục linh hoạt hỗ trợ sản xuất, kinh doanh |
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan cũng được hạ từ 25% xuống còn 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Mục tiêu của việc giảm tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng nhằm hạn chế tình trạng rủi ro từ tập trung tín dụng gây ra hệ lụy không tích cực đối với thị trường tài chính - ngân hàng trong thời gian qua.
Liên quan tới quy định này, cũng có đại biểu cho rằng nên xem xét giảm tỷ lệ này trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay cần phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đảm bảo vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển phục hồi nền kinh tế xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà (đại biểu Tuyên Quang), hiện nay, hoạt động kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trên thực tế, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các NHTM Nhà nước. "Việc thay đổi tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho một khách hàng và người liên quan cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng", đại biểu Việt Hà đề nghị.
NHNN tiếp tục rà soát để quy định, phù hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân |
Tuy nhiên nhiều đại biểu như đại biểu Lê Minh Nam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách (đoàn Hậu Giang) đánh giá, quy định này là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng cường an toàn cho tổ chức tín dụng khi thực hiện cho vay. Nếu được kiểm soát trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ sẽ không gây ra rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không kiểm soát, giới hạn khi có rủi ro xảy ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tổ chức tín dụng đó mà cả hệ thống tài chính. "Theo nguyên tắc không bỏ trứng vào một giỏ. Do đó, việc quy định kiểm soát hạn mức cấp tín dụng là rất cần thiết giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng lớn", ông Nam nhận định và cho rằng đó cũng là lý do Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đề xuất giảm hạn mức dư nợ cấp tín dụng.
Đối với nội dung này, theo quan điểm của Chính phủ, tuy tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng so với vốn tự có được điều chỉnh giảm, nhưng quy mô vốn của các ngân hàng được tăng lên khá lớn. Theo đó, giá trị tuyệt đối của tổng mức dư nợ tín dụng cho vay đối với khách hàng cũng tăng lên. Vì vậy, quy định giảm tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng không ảnh hưởng đến tổng mức cho vay, mà giúp cho việc tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Ở góc độ nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học TP. Hồ Chí Minh nhận định, chắc chắn việc ngân hàng cho vay đối với một khách hàng lớn quá nhiều có thể mang lại rủi ro khi thị trường có biến động. Nhưng việc đưa ra tỷ lệ cấp tín dụng ở mức 10% hay 15% thì cần có nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng hơn về những mặt được, hay chưa được. Để giảm sự phụ thuộc vốn ngân hàng thông qua điều chỉnh giảm tỷ lệ cấp tín dụng, theo vị chuyên gia này, cần phải phát triển đồng bộ với thị trường vốn. “Khi thị trường vốn phát triển hấp thụ được số vốn từ thị trường tiền tệ chuyển sang, lúc đó ngân hàng mới giảm bớt được sức ép cấp vốn cho nền kinh tế. Để làm như vậy cần phải có lộ trình và theo tín hiệu của thị trường”, TS. Huân đề xuất.
Trước băn khoăn trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thực tế nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo, nếu như nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro bất cứ khi nào, nhất là khi kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng thì domino sẽ rất hệ lụy đến nền kinh tế. Chính vì vậy, song song với việc phát triển ngành Ngân hàng thì các thị trường khác như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.
Tuy giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song Thống đốc cho rằng, NHNN đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ. Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì vẫn có một cơ chế là Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mặc dù vậy, người đứng đầu NHNN cho biết sẽ tiếp tục rà soát để quy định làm sao cho phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.