Cho vay margin tăng “nóng” trở lại
HOSE cắt margin với 62 mã chứng khoán trong quý 4/2022 | |
Trong vòng xoáy margin |
Sau quý II nhiều biến động tiêu cực, sự phục hồi của chỉ số chính VN-Index trong tháng 7 và tháng 8 đã đem lại nhiều hy vọng cho giới đầu tư. Tuy vậy, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh trong tháng 9 và đóng phiên tháng ở mức 1.132,1 điểm (giảm 11,6% so với đầu tháng và giảm 24,4% so với đầu năm).
Ảnh minh họa. |
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán được lý giải do Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản và đưa ra quan điểm "diều hâu" về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Động thái này của Fed sẽ tác động lớn đến điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Việt Nam.
Áp lực này khiến thanh khoản thị trường suy giảm mạnh với giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn đạt 15.910 tỷ đồng, giảm 14% so với tháng 8/2022 và giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, HoSE đạt 13.717 tỷ đồng/phiên, giảm 12,3% so với tháng trước.
Dù vậy, điều bất ngờ là dư nợ cho vay toàn thị trường lại tăng trong quý III/2022. Đặc biệt, dư nợ cho vay margin tăng trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Giới chuyên gia nhìn nhận, sau nhịp giảm rất mạnh vào cuối quý II/2022, nhiều tài khoản chứng khoán margin đã về ngưỡng an toàn và dư sức mua. Việc thị trường chứng khoán tiếp tục giảm trong tháng 9 đã kích hoạt một phần dòng tiền quay trở lại bắt đáy khi chỉ số liên tục giảm ở vùng giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu có nền tảng kinh doanh liên tục “phá đáy”.
Thống kê cũng cho thấy trong 30 đơn vị có quy mô cho vay trên 1.000 tỷ đồng, chỉ có 4 công ty giảm quy mô cho vay so với cuối tháng 6. Nhiều công ty chứng khoán quy mô vừa và lớn tiếp tục thiết lập đỉnh mới về cho vay ký quỹ trên thị trường.
Trong top công ty chứng khoán nội có quy mô cho vay margin lớn nhất, quán quân là Công ty CP Chứng khoán SSI (15.386,7 tỷ đồng, tăng 5,6% so với quý II/2022); tiếp đến là TCBS (14.907,2 tỷ đồng, tăng 5,8%); Chứng khoán VnDirect (12.664 tỷ đồng, tăng 12,8%). Nhiều đơn vị cũng ghi nhận dư nợ margin quý III/2022 tăng so với quý trước như: Chứng khoán MBB (tăng 17%), Chứng khoán Bản Việt (tăng 1,5%), Chứng khoán FPT (tăng 8,6%), Chứng khoán ACB (tăng 12,4%)…
Điểm nhấn trong hoạt động cho vay margin quý III/2022 là sự nổi lên của các công ty chứng khoán nước ngoài. Thống kê của FiinTrade ghi nhận 4 CTCK công ty chứng khoán ngoại nằm trong top 20 công ty chứng khoán có số dư nợ cho vay margin lớn nhất (tính đến ngày 21/10/2022).
Đó là Chứng khoán Mirae Asset với dư nợ cho vay margin tại ngày 21/10/2022 đạt 15.102 tỷ đồng, tăng 23,7% so với quý II/2022, chỉ xếp sau Chứng khoán SSI; Chứng khoán KB Việt Nam đạt 5.654,2 tỷ đồng, tăng 9,5%; Chứng khoán KIS Việt Nam 4.583,3 tỷ đồng, tăng 5,4%; Chứng khoán Yuanta Việt Nam 4.583,3 tỷ đồng, tăng 10,7%; Chứng khoán Maybank Kim Eng đạt 3.500,4 tỷ đồng, tăng 7,3%.
Với sự hậu thuẫn tài chính hùng hậu từ công ty mẹ, nguồn vốn vay lãi suất rẻ, nhiều công ty chứng khoán ngoại sẵn sàng tăng vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng nhằm gia tăng thị phần, mở rộng chi nhánh, cải thiện sản phẩm dịch vụ… Có thể thấy các công ty này đang tăng tốc để cạnh tranh với nhóm công ty chứng khoán nội trong tương lai.
Ở chiều ngược lại, nhóm giảm dư nợ margin gồm: Chứng khoán TP.HCM 10.927,6 tỷ đồng (giảm 2,7%); Chứng khoán VPS 7.952,6 tỷ đồng (giảm 9,1%) và Chứng khoán Bảo Việt 2.286,4 tỷ đồng (giảm 0,3%).
Đáng chú ý, sau đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm cuối quý III chạm mức cao nhất trong lịch sử (8,6%), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ cuối quý I (6,8%) khi dư nợ margin đạt đỉnh hơn 183.100 tỷ đồng.
Chuyên gia của Fiin đánh giá điều này cho thấy rủi ro liên quan đến margin vẫn còn khi những diễn biến gần đây trên thị trường chưa cho thấy tín hiệu về một sự hồi phục nào.
Điểm tích cực đó là số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản ở các công ty chứng khoán (không bao gồm số dư tiền của nhà đầu tư nước ngoài) duy trì ở mức 72.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2022, không những không bị hụt đi mà còn tăng 2.400 tỷ đồng so với cuối quý II/2022. Với giá trị giao dịch bình quân phiên hiện ở mức 10.600 tỷ đồng, lượng tiền này tương đương với thanh khoản của 7 phiên giao dịch và đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang chờ đợi cơ hội để quay lại thị trường khi những bất lợi qua đi.