Chống biến đổi khí hậu: “Cuộc chiến” đòi hỏi nhiều hơn nữa sự hợp tác
Sự cấp bách của vấn đề
Tôi là một người thích uống cà phê. Với tôi, một ngày sảng khoái phải bắt đầu bằng một ly cà phê. Cũng nhiều người có thói quen như vậy. Những người nghiện cà phê trên khắp thế giới tiêu thụ trên 400 tỷ ly cà phê mỗi năm. Sản lượng cà phê hiện tại lên đến gần 10 tỷ tấn mỗi năm. Tuy nhiên, món đồ uống phổ biến này có lẽ đang “lâm nguy”. Nhiệt độ tăng lên và thay đổi phân bổ lượng mưa khiến việc trồng trọt cà phê gặp khó khăn, đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng và chất lượng hạt cà phê. Điều đó một lần nữa nhắc chúng ta nhớ BĐKH chẳng phải chuyện đâu xa, đây là vấn đề đang diễn ra ngay tại đây, ngay lúc này và ngày càng nhiều người cảm nhận được tác động của BĐKH.
Liên Hiệp Quốc ước tính đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ sẽ ấm lên 3°C do tốc độ giảm phát thải không theo kịp với những điều kiện cần để đạt được cam kết cân bằng phát thải nhiều bên đã đưa ra trên thế giới. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) năm nay ước tính gần một nửa dân số toàn cầu đang sống trong các khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ước tính của Ngân hàng Thế giới thậm chí còn cao hơn. Theo báo cáo nghiên cứu tháng 11/2023 của tổ chức này, 4,5 tỷ người đang bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, bão nhiệt đới hoặc nắng nóng cực đoan.
Doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò then chốt trong các nỗ lực chung nhằm giải quyết khủng hoảng này.
Năng lượng tái tạo là giải pháp tối ưu chống biến đổi khí hậu |
Chúng ta sẽ chiến đấu với BĐKH như thế nào?
Trong 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cột mốc trên hành trình chuyển dịch chống BĐKH của Việt Nam, từ cam kết cân bằng phát thải đưa ra tại COP26 đến Chiến lược quốc gia về BĐKH. Trọng tâm của hành trình này không thay đổi.
Thứ nhất, hợp tác là chìa khóa. BĐKH là bài toán không của riêng ai và cũng không ai có thể giải bài toán này một mình. Thực tế, chưa khi nào tất cả chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với nhau như lúc này. Cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ cần đồng lòng hợp sức đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.
Thứ hai, chuyển đổi năng lượng là cốt lõi. 80% nguồn cung năng lượng chính của thế giới đến từ than đá, dầu mỏ và khí đốt và quá trình khai thác, vận chuyển và sử dụng chiếm tới 3/4 tổng phát thải các-bon toàn cầu. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, hành trình chuyển dịch của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc chuyển sang năng lượng sạch, trên quy mô lớn. Than đá cung cấp khoảng 3/4 tổng sản lượng điện. Cân bằng phát thải đòi hỏi cần thận trọng cân nhắc dừng hoạt động sớm các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời vẫn phải đảm bảo sản lượng điện nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng thông qua các nguồn tái tạo mới và sạch.
Tại COP28 năm ngoái, tôi đã rất ấn tượng với tinh thần quyết tâm tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và chuyển dịch dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Vai trò của năng lượng tái tạo cũng được nhấn mạnh trong Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, trong đó năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ chiếm trên 30% cơ cấu năng lượng. Tin tốt là Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và Chính phủ cam kết đạt cân bằng phát thải vào năm 2050. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mang đến tiềm năng để thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo đang phát triển nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia từ khu vực tư nhân nhiều hơn nữa.
Vai trò trọng yếu của ngành tài chính
Các ngân hàng như HSBC có thể hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng thông qua một hành trình chuyển dịch tuần tự sang năng lượng sạch, củng cố sự vững vàng trong dài hạn, đồng thời hỗ trợ lao động và cộng đồng trên hành trình đó. Là một ngân hàng toàn cầu, chúng tôi có một vai trò đặc biệt trong hành trình chuyển dịch hướng tới cân bằng phát thải. Đó là nhờ khả năng hỗ trợ tài chính, kết nối nhà đầu tư với các dự án trọng điểm trên toàn thế giới và mang đến cho khách hàng kinh nghiệm chuyên môn. Nói đi đôi với làm, chúng tôi đã chủ động làm việc với khách hàng để hỗ trợ tham vọng của họ cũng như phát triển kế hoạch chuyển dịch. Chúng tôi cung cấp một loạt sản phẩm tài chính bền vững và ESG giúp lồng ghép các mục tiêu bền vững với mục tiêu kinh doanh.
Ngân hàng như HSBC có thể hiện thực hóa tham vọng cân bằng phát thải theo hai hướng. Quan trọng nhất là hỗ trợ khách hàng chuyển dịch - đây là tác động lớn nhất chúng tôi có thể tạo ra. Thứ hai, chúng tôi mong muốn đưa vốn đến nơi cần. Nghĩa là chúng tôi đồng hành cùng các chính phủ, các tổ chức nhân đạo và xã hội để tạo ra thay đổi mang tính hệ thống.
Đặc biệt, năm 2022, HSBC ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ Bộ trong việc xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược cho phù hợp với các mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam và mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này. Sáng kiến mới nhất trong khuôn khổ MOU này là chuỗi hội thảo "Tăng cường năng lực, phổ biến quy định pháp luật về BĐKH và các giải pháp về chuyển dịch năng lượng" tổ chức tại Hà Nội, Cần Thơ và Nha Trang. Khoảng 450 doanh nghiệp trong nước được cập nhật những thông tin chính sách quan trọng về môi trường, xu hướng và giải pháp chuyển dịch năng lượng vốn rất quan trọng cho việc chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải.
Năng lực tham gia của các ngân hàng còn có thể được nâng cao thông qua hợp tác - quy tụ các bên cần thiết lại để cùng vượt qua các thách thức. Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Việt Nam tham gia năm 2022 là một ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để mô hình này thực sự hiệu quả giữa các đối tác công và tư. HSBC cam kết hỗ trợ mô hình này để có thể biến ý tưởng thành giao dịch thực tế nhằm đảm bảo vốn đầu tư được nhanh chóng dẫn đến các dự án bền vững.