Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Nhất trí về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB |
Ông Thanh cho biết, VCB là một trong các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, có quy mô lớn (vốn điều lệ 55.891 tỷ đồng, tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2023 là 1.835.959 tỷ đồng), uy tín, tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
”Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB sẽ giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III vào năm 2026, mở rộng hoạt động tín dụng, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao khả năng nhận chuyển giao bắt buộc 01 ngân hàng thương mại yếu kém trong thời gian sắp tới”, ông Thanh cho biết.
Theo Tờ trình số 421/TTr-CP, Chính phủ đề nghị bổ sung 20.695 tỷ đồng (số làm tròn) cho VCB để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại VCB khi tăng vốn điều lệ. VCB là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, do đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VCB được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và quy định có liên quan.
Cụ thể: Khoản 3 Điều 17 Luật 69/2014/QH13 quy định: “Trường hợp đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công năm 2019 thì “Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau và có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên…”.
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 121/2020/NĐ-CP và Nghị định số 140/NĐ-CP) quy định phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm: “Lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.
“Căn cứ các quy định nêu trên, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị, trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB