Chủ quyền biển đảo từ một dư địa chí độc đáo
Hình ảnh biển đảo trên báu vật
Ở sân trước Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế đặt 9 cái đỉnh đồng lớn không chỉ là biểu trưng và là pháp khí của vương triều Nguyễn mà còn là một dư địa chí, bộ bách khoa thư về nước Việt Nam do các học sĩ đương thời soạn ra một cách hết sức tổng quát. Trong đó, ba vùng biển Việt Nam khắc nổi trên hông ba chiếc đỉnh lớn nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu triều đại với hình ảnh sóng nước nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ của đất nước.
Đó là thông điệp mà vua Minh Mạng muốn gửi gắm cũng như tri ân những con dân miền Trung đã kiên cường đối mặt với phong ba bão táp, chiến đấu với quân giặc cướp, sẵn sàng vùi thân dưới biển sâu để hoàn thành nhiệm vụ đo đạc hải trình, vẽ bản đồ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cửu Đỉnh - báu vật triều Nguyễn chạm khắc chủ quyền biển đảo Việt Nam |
Cứ đến ngày 16/3 âm lịch hàng năm, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại rợp cờ phướn, những ca khúc về Hoàng Sa - Trường Sa vang vọng, hòa vào những đợt sóng biển cuộn trào. Ấy là lúc 13 tộc họ tiền hiền, hậu hiền trên đảo Lý Sơn tập trung về đình làng An Vĩnh, âm Linh Tự chuẩn bị các lễ vật mà hàng trăm năm trước đội hùng binh mang theo nhằm hướng Hoàng Sa trực chỉ. Trong không khí trang nghiêm, sóng biển hòa lẫn tiếng trống chiêng rộn vang, bài văn tế đội hùng binh vang lên hào hùng, bi tráng: “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa…”.
Theo các nhà nghiên cứu tại Huế, người dân trên đảo Lý Sơn gọi là lễ khao lề thế lính, tức là việc của làng xóm, dâng lễ vật để tiễn đưa đội dân binh xuống thuyền ra Hoàng Sa - Trường Sa gặp nhiều may mắn, sớm trở về với gia đình. Những thanh niên trai tráng ở Lý Sơn năm xưa vâng lệnh các chúa Nguyễn, vua thời Tây Sơn và các vua triều Nguyễn nối tiếp nhau đi khai thác tài nguyên, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa đối mặt với phong ba bão táp, chiến đấu với quân giặc cướp, sẵn sàng vùi thân dưới biển sâu vì nghĩa lớn.
Sử liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, kể rằng: "Nhà Nguyễn (thời các chúa Nguyễn từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18) thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa được cấp mỗi người sáu tháng lương thực. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm nhặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ còn lượm những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những con ốc hoa thật nhiều… Đến kỳ tháng Tám thì đội Hoàng Sa ấy mới trở về cửa Eo (cửa Thuận An), rồi họ tới thành Phú Xuân (cách cửa Thuận An hơn 10km) trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng hạng các sản vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Bấy giờ, đội ấy nhận lãnh bằng cấp về nhà...".
Một dư địa chí độc đáo
Cùng với hàng vạn thư tịch cổ ghi nhận, tri ân công đức đội hùng binh Hoàng Sa, hình ảnh biển đảo mà các bậc tiền nhân từng giong thuyền đạp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa mở cõi, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước còn được chạm nổi sắc nét trên 9 chiếc đỉnh đồng đang bảo lưu trước Hiểu Lâm Các - đối diện Thế Miếu trong Đại nội Huế. Dân gian gọi là Cửu Đỉnh. Mỗi cái nặng trên dưới 2 tấn, được Bộ Công triều Nguyễn khởi đúc vào cuối năm 1835, hoàn thiện tháng 6/1837.
Theo tài liệu để lại của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong Thế Miếu, tương ứng với một vị vua. Riêng đỉnh ứng gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì vua Minh Mạng cho rằng đó là vị hoàng đế đã có công khai sáng triều đại. Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi hai chữ đại tự với chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi miếu hiệu từng vị vua.
Đặc biệt, trong số 153 hình ảnh đặc trưng của đất nước được chọn để khắc vào Cửu Đỉnh, có Biển Đông (tức Đông Hải, kéo dài từ phía bắc cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình) được chạm khắc vào Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất trong Cửu Đỉnh. Biển Nam (tức Nam Hải, từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia…) được khắc vào Nhân đỉnh. Biển Tây (tức Tây Hải, vùng biển giáp với vịnh Thái Lan) khắc vào Chương đỉnh.
Đây là ba đỉnh lớn nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Đồng thời đó là thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước độc đáo, ấn tượng nhất mà vua Minh Mạng để lại trong tiến trình lịch sử bảo vệ và giữ gìn biển đảo Tổ quốc.