Đà Nẵng hướng đến trung tâm kinh tế biển
Tiềm năng kinh tế biển
Đà Nẵng - một trong những địa phương ven biển của đất nước. Với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, thành phố đang được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực...
Những năm gần đây, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế biển. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ kinh tế biển là 1 trong 3 trụ cột để thành phố phát triển. Trên thực tế, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đây sẽ là những lợi thế để thành phố hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển ở khu vực.
Đà Nẵng đang hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế biển |
Một trong những thế mạnh đầu tiên của kinh tế biển ở Đà Nẵng là khai thác và chế biến hải sản, với khả năng khai thác trên 150 đến 200 nghìn tấn hải sản hằng năm. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư đồng bộ, phục vụ hiệu quả cho không chỉ ngư dân địa phương mà còn cho cả khu vực miền Trung. Bên cạnh, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền với năng lực đóng mới 100 chiếc/năm; sửa chữa trên 1 nghìn lượt tàu/năm là những lợi thế cho việc khai thác và chế biến hải sản.
Với một đô thị trẻ năng động, cùng nhiều lợi thế về danh lam thắng cảnh... TP. Đà Nẵng đang được xem là “thủ phủ” du lịch ở miền Trung cũng như cả nước. Một trong lợi thế lớn của thành phố chính là bờ biển dài 90km, với nhiều bãi biển cát trắng mịn, sóng nước ôn hòa, nước ấm quanh năm. Trong đó, bãi biển Mỹ Khê từng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Gần đây, để phát triển du lịch biển, Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư hạ tầng, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; đồng thời xây dựng Cảng Tiên Sa phục vụ du lịch đường biển; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng mang tầm đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh khai thác thủy hải sản, phát triển du lịch biển thời gian gần đây Đà Nẵng còn ưu tiên tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo... Trong đó, thành phố hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung; Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu; hình thành các trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, Hòa Vang... Phát biểu định hướng tại Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã từng nhấn mạnh: Đà Nẵng cần phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
“Chìa khóa” phát triển bền vững
Với những chương trình hành động cụ thể của mình, TP. Đà Nẵng phấn đấu nâng cao đóng góp của các ngành kinh tế biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước... “Chìa khóa” phát triển bền vững kinh tế biển ở TP. Đà Nẵng chính là tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Cụ thể, phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân thành phố.
Định hướng đi đôi với hành động cụ thể, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu... Trong khai thác chế biến thủy hải sản, Đà Nẵng điều chỉnh cơ cấu tàu, thuyền theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, giảm áp lực khai thác ven bờ, địa phương đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản. Cụ thể, ngư dân đóng mới tàu từ 400 đến dưới 600 CV, được hỗ trợ bằng tiền mặt 500 triệu đồng/tàu; từ 600 đến dưới 800 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng; trên 800 CV được hỗ trợ 800 triệu đồng...
Với những hỗ trợ trên, số tàu có công suất 90 CV trở lên tăng từ 461 chiếc năm 2015 lên 690 chiếc năm 2020, sản lượng khai thác tăng bình quân 2,3%/năm. Cùng với hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu lớn, Đà Nẵng còn đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng là trung tâm nghề cá của khu vực. Trong đó, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang diện tích hơn 15 nghìn m², sản lượng thủy sản qua chợ 110 nghìn tấn/năm. Bên cạnh, khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang có diện tích 58ha, hiện có trên nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật… với giá trị xuất khẩu gần 200 triệu USD/năm...
Trong khi đó, đối với sự phát triển du lịch biển, bên cạnh việc phát triển sản phẩm, thành phố còn đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển du lịch xanh tại Đà Nẵng đang được xem là lựa chọn đúng đắn hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Việc khai thác du lịch ở các bãi biển và bán đảo Sơn Trà cũng được thành phố quan tâm, nhất là bảo đảm an toàn, sạch sẽ cho người dân và du khách khi tắm biển, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường biển... Theo đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố đã và đang nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; đảm bảo môi trường du lịch, phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đà Nẵng đã và đang “đặc biệt hóa” sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch một cách bền vững hiệu quả nhất...