Cồn Cỏ chuyển mình thành đảo du lịch
Một bảo tàng đa dạng sinh học
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gần 30km. Hình dáng đảo như chiếc bát khổng lồ úp xuống mặt biển xanh mênh mông nên trông từ xa cứ tròn vành vạnh.
Do được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển cùng các bãi san hô, bãi tắm nhỏ hoang sơ. Cồn Cỏ có hệ sinh vật rừng và biển đa dạng, thảm thực vật khá phong phú. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có. Những rừng bàng trái vuông, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng. Các giống cây ăn trái được thì có đu đủ, chuối, dâu da... Giống nào cũng xanh tốt, vừa cung cấp thực phẩm cho người dân đảo, vừa làm nơi trú ngụ cho chim trời về góp vui. Đặc biệt, để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo, nay dừa đã xanh tốt và cho trái.
Đảo Cồn Cỏ đang chuyển mình trong lộ trình trở thành đảo du lịch |
Thế giới động vật trên đảo không nhiều về chủng loại nhưng lại khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cườm, chim én thay nhau gửi đến con người những tín hiệu bình yên. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là biểu tượng của ý chí, nghị lực của quân và dân trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển thì có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Riêng ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ... Chính lẽ đó, Cồn Cỏ được các nhà khoa học ví như một bảo tàng đa dạng sinh học.
Hướng đến đảo du lịch
Từ xa phóng tầm mắt sẽ thấy đảo Cồn Cỏ tròn vành vạnh đang hoàn thiện hình hài một đô thị giữa trùng khơi. Những ngôi nhà được xây kiên cố chen giữa màu xanh cây trái như xóa đi sự khắc nghiệt của phong ba, bão táp. Đó là kết quả trong chiến lược chuyển Cồn Cỏ từ đảo quân sự thành đảo dân sự góp phần vững vàng xây cuộc đời mới nơi “vọng gác tiền tiêu” Tổ quốc trên biển Đông.
Với diện tích khoảng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5 - 30m so với mặt nước biển, trong đó hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, đảo Cồn Cỏ là một số ít nơi tại Việt Nam còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Bởi vậy, một trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là tham quan khu rừng nguyên sinh giữa biển khơi, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá hệ động, thực vật phong phú trên đảo.
Việc từng bước xúc tiến, thúc đẩy hoạt động du lịch ở đảo Cồn Cỏ nằm trong định hướng phát triển du lịch sinh thái biển và là một “sản phẩm du lịch mới” có lợi thế của địa phương đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị quan tâm đón đầu, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Đặc biệt mới đây, cùng với việc đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng củng cố thế trận quốc phòng trên địa bàn theo đúng quy định.
Có thể nói, đây được xem như một cú hích tạo cơ hội mới để đảo Cồn Cỏ phát triển về kinh tế và du lịch. Đề án mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, theo đó tỉnh sẽ chỉ đạo đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Xây dựng cảng trên đảo, cho phép tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra vào cảng. Đây là động thái tích cực nhằm hướng đến giải quyết phương tiện vận tải phục vụ du lịch của đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh, huyện đảo sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới ổn định; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động du lịch, hệ thống cung cấp nước ngọt, cơ sở lưu trú, xây dựng danh mục ẩm thực, quà lưu niệm đặc thù; đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp…
Với sức hấp dẫn đến từ thiên nhiên, Cồn Cỏ được các chuyên gia du lịch ví là “thiên đường nhỏ giữa Biển Đông”. Cùng với cảnh quan, sản vật độc đáo và đặc biệt là sự ủng hộ của Chính phủ về chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, hy vọng đây sẽ là cú hích tạo cơ hội mới cho huyện đảo này phát huy lợi thế và tiềm năng để thu hút du khách. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển tour, tuyến du lịch và đẩy mạnh khai thác thế mạnh của địa phương, đảo Cồn Cỏ như đang chuyển mình từng ngày trong lộ trình trở thành đảo du lịch, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước.