Chuyển đổi số góp phần đa dạng hóa các hình thức thông tin báo chí
Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo TTXVN:
Chuyển đổi số hỗ trợ quá trình tác nghiệp của người làm báo
Bà Vũ Việt Trang |
Chuyển đổi số góp phần làm đa dạng hóa các hình thức phân phối thông tin báo chí. Từ một sản phẩm báo chí gốc được chuyển thể sang nhiều hình thức thể hiện để tiếp cận tốt hơn đến công chúng qua việc phân phối thông tin dưới nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng (app), nền tảng xã hội… Các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như chat-box cũng đã được khai thác để tăng khả năng tương tác với công chúng. Ví như trong thời gian dịch COVID-19 căng thẳng, chat-box đã đảm nhiệm tốt việc trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thông tin, quy định được cập nhật liên tục theo tình hình dịch COVID-19. Hiện nay, việc giải đáp các thắc mắc trong mùa tuyển sinh cũng đang được chat-box đảm nhận.
Với TTXVN, chuyển đổi số vừa là tiến trình bắt buộc song cũng là cơ hội để một hãng thông tấn quốc gia thay đổi. TTXVN bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm, góp phần hỗ trợ quá trình tác nghiệp của những người làm báo tại đơn vị. Với việc chuyển đổi số, TTXVN đã và đang từng bước xây dựng, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau thời gian vận hành hệ thống tác nghiệp đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phù hợp với thị hiếu nghe-xem của công chúng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Việc chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị số giúp người làm báo tác nghiệp và xử lý thông tin và cung cấp nhanh chóng đến độc giả. Thông tin được thể hiện đa dạng bằng chữ, hình ảnh và cả video thường thu hút công chúng tốt hơn các hình thức thể hiện đơn, truyền thống.
Nhờ đó, thông tin chính thống của TTXVN sẽ được lan tỏa nhanh hơn và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Khi thực hiện chuyển đổi số, trong quá trình phân phối nội dung, TTXVN có thể đo đếm được phản hồi của công chúng, từ đó giúp cơ quan lựa chọn được thông tin và cách thể hiện phù hợp với thị hiếu của công chúng.
Nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao động:
Báo chí trước lằn ranh sinh tử
Nhà báo Dương Quang |
Rất nhiều lĩnh vực khác cũng đang đứng trước thách thức sống còn: Chuyển đổi số hay là chết? Riêng với lĩnh vực báo chí tại Việt Nam thì tình hình khẩn thiết hơn, bởi đã mất hơn chục năm chậm chân vì vốn quen với phương thức làm báo truyền thống, chẳng chịu thay đổi.
Có hai yếu tố chính yếu thôi thúc báo chí Việt Nam phải chuyển đổi số nhanh và sâu.
Một là, đa số cơ quan báo chí tại Việt Nam lâu nay đã gắn chặt với cách làm cũ, từ sản xuất nội dung, in và phát hành, chào bán quảng cáo, tương tác với khách hàng. Khi trận cuồng phong số hóa ập tới và truyền thông mạng xã hội bùng nổ thì báo chí truyền thống không trở tay kịp, số lượng phát hành báo in sụt giảm, mất dần độc giả, doanh thu quảng cáo tụt dốc. Giữa hoàn cảnh khó khăn đó, phải tìm cho được giải pháp kìm hãm đà suy thoái.
Hai là, công nghệ làm thay đổi rất cơ bản thói quen và cách thức tiếp cận tin tức của bạn đọc cũng như quyết định chi tiền đăng quảng cáo hay bài PR của khách hàng. Những thiết bị di động đời mới ngày càng hiện đại hơn và thông thái hơn; các nền tảng đăng phát tin tức như Youtube, Facebook, TikTok, Zalo… cũng vào cuộc đua bất tận về tối ưu hóa tính năng cung cấp nội dung. Nhờ vậy, người dùng (user) chưa cần phải truy cập trực tiếp các website hay mở app mà tin tức và đường link đã ào ào “đập vào mắt” rồi. Đối với các doanh nghiệp, đối tác mua quảng cáo hay đặt bài PR, họ thừa hiểu báo số đang lên ngôi ra sao, mức độ lan tỏa và tiện dụng đến mức nào để đưa ra quyết định chính xác!
Theo quan sát, đại đa số các tòa soạn báo hiện nay gặp lúng túng trong thực hiện chuyển đổi số, không biết bắt đầu từ đâu, làm những gì; hoặc cũng có thể đang hiểu sai về chuyển đổi số. Chìa khóa của chuyển đổi số tất nhiên là công nghệ, muốn công nghệ thì phải có tiền, song tiền thật nhiều chưa phải là tất cả - nếu không có chiến lược đúng. Ngoài tài chính thì hai yếu tố trước hết các lãnh đạo cơ quan báo chí phải có, đó là quyết tâm thật cao và thay đổi tư duy. Và tư duy của chuyển đổi số chính là: “Digital first”.
Nhà báo Hoàng Minh Thành, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật:
Thay đổi từ tư duy tới hành động
Nhà báo Hoàng Minh Thành |
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và Internet có tác động mạnh mẽ tới báo chí thế giới, báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phải chuyển mình và được xem như là một xu thế tất yếu. Để chuyển đổi số thành công thì báo chí phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
Đến nay, nhiều cơ quan đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là AI, IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại.
Chuyển đổi số thì tất yếu phải có công nghệ bởi công nghệ là mũi nhọn trong việc đưa nội dung đến với độc giả. Nhưng theo tôi, con người mới là yếu tố quyết định nhất cho việc giúp báo chí chuyển đổi số thành công. Bởi, chuyển đổi số không chỉ là chuyển từ công nghệ lạc hậu đến việc áp dụng digital vào trong sản xuất nội dung mà sự thay đổi từ tư duy quản lý, lãnh đạo đến đội ngũ phóng viên khi tác nghiệp cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng, độc đáo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ cũng như đầu tư về con người sao cho phù hợp nhất.
Ông Vũ Kiều Minh, Tổng Thư ký tòa soạn báo Nông thôn Ngày nay – Báo điện tử Dân Việt:
Con người vẫn là quyết định
Ông Vũ Kiều Minh |
Từ khi khái niệm “chuyển đổi số” còn rất xa lạ với công chúng, các cơ quan báo chí đã bắt đầu phải tiếp cận, tìm hiểu để truyền thông đầy đủ, kịp thời, nhằm tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, các cơ quan báo chí cũng đồng thời là những đơn vị cảm nhận rõ nhất về áp lực của việc phải tiến hành chuyển đổi số để cạnh tranh trong một môi trường hội nhập ngày càng khốc liệt, xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình báo chí, truyền thông, mạng xã hội…
Chúng tôi thấy rằng đầu tư vào công nghệ là không thể thiếu, nhưng vấn đề quyết định của chuyển đổi số báo chí vẫn phải là con người. Cần có định hướng thay đổi tư duy, cách làm.
Theo tôi, chuyển đổi số được tiến hành trước tiên phải là quyết tâm từ lãnh đạo của báo sau đó mới mời các chuyên gia về nói chuyện với toàn bộ cán bộ nhân viên, phóng viên trong cơ quan để hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số. Từ đó, tư duy của các PV cũng được thay đổi rõ rệt. Họ biết rõ khi tác nghiệp, các dữ liệu về số được ưu tiên như hình ảnh, clip và việc triển khai được thực hiện đồng bộ ở các ban, đơn vị, văn phòng. Nguồn tài nguyên về dữ liệu số cũng được bảo quản tốt và coi như tài sản chung của toàn cơ quan.
Bên cạnh đó, các nền tảng số cũng được phát triển. Ngoài báo điện tử thì Youtube, Tik Tok, Fanpage... cũng cần được tập trung đầu tư, coi như một nền tảng số phát triển, lan toả nội dung tới đông đảo bạn đọc hơn nữa. Các ban, đơn vị, trung tâm trong toà soạn cũng áp dụng công nghệ số vào trong việc giải quyết công việc hành chính, báo cáo hành chính, giảm thiểu tối đa giấy tờ, giảm thiểu các khâu báo cáo, việc họp bàn bạc trao đổi cộng việc cũng được tăng cường thực hiện bằng hình thức online nhiều và thường xuyên hơn trước.
Ngân hàng là một trong những ngành ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sớm nhất trong xã hội. Tôi tin rằng những bài học kinh nghiệm trong ngành Ngân hàng cũng sẽ là nguồn thông tin hữu ích để báo chí ứng dụng vào quá trình chuyển đổi này. Là một độc giả của Thời báo Ngân hàng, qua theo dõi thông tin trên báo, tôi thấy rằng đây là một nguồn thông tin chính thống và cập nhật sớm nhất các vấn đề của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tôi tin rằng, việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sẽ giúp tờ báo ngày càng tiếp cận gần hơn với độc giả, để luôn là nguồn tin trung thực, cung cấp những kiến thức hữu ích cho xã hội, giúp độc giả của báo định hướng những vấn đề quan trọng trong cuộc sống cũng như công việc của họ.