Chuyển đổi số trong các hợp tác xã: Mô hình quản trị “Made in Vietnam”
Cần ưu tiên chuyển đổi số và tăng trưởng xanh |
Xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để các HTX phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra chậm với quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao. Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM (Công ty KMG Việt Nam), để thúc đẩy sự phát triển của các HTX, GKM đã xây dựng Mô hình quản trị “Made in Vietnam” nhằm giúp các HTX có nền tảng quản trị thích ứng với chuyển đổi số. Mô hình này đã được kiểm chứng, mang lại hiệu quả tại một số HTX đang triển khai hiện nay.
Hiện nay, nhu cầu của các HTX trong chuyển đổi số từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến nhiều đơn vị chưa thể thực hiện được. Ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, cả nước hiện có hơn 25.000 HTX, trong đó có trên 17.000 HTX nông nghiệp. Dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Với sứ mệnh hỗ trợ, tư vấn cho các HTX thành viên trên cả nước, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, khu vực kinh tế HTX không thể đứng ngoài cuộc.
Mô hình hợp tác xã có nhiều tính ưu việt |
Theo Liên minh HTX Việt Nam, trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX liên tục có bước phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế và đời sống nhân dân nhưng các HTX vẫn phát huy tốt vai trò của mình. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 843 HTX, cao hơn 92 HTX so với cùng kỳ năm 2020, đạt 56,2% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Tính đến tháng 6/2021, cả nước có 26.145 HTX, tăng 863 HTX so với cùng kỳ năm 2020. Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và kéo dài đòi hỏi các HTX cần có những giải pháp ứng phó và thay đổi cho phù hợp, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được cho là giải pháp cần thiết.
Theo đó, thời gian tới Liên minh HTX Việt Nam sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ HTX thúc đẩy chuyển đổi số. Lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, chỉ đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp, huy động nguồn lực của địa phương để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, HTX…
Tìm mô hình phù hợp
Có thể thấy, chuyển đổi số được xem là một xu thế hiệu quả cho phát triển bền vững của các lĩnh vực kinh tế. Theo nghiên cứu của Viện Quản trị Tinh gọn GKM, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp cắt giảm chi phí lãng phí trong sản xuất từ 35 đến 55% so với các phương pháp truyền thống. Trong giai đoạn chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp số, HTX nông nghiệp được xem là đối tượng hoàn toàn có thể tham gia chuyển đổi thành công khi có mô hình chuyển đổi phù hợp. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay còn lúng túng trong việc cần phải làm gì để có thể chuyển đổi số hiệu quả, mang lại giá trị phát triển thật sự và bền vững, chứ không phải chỉ là theo trào lưu.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh cho biết, căn cứ vào các hoạt động tư vấn triển khai thành công mô hình quản trị tinh gọn “Made in Vietnam” tại hàng ngàn doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, kết hợp với thực tiễn triển khai mô hình quản trị này tại các HTX sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang, GKM đề xuất mô hình quản trị tinh gọn “Made in Vietnam” tại các HTX. Mô hình này nhằm giúp các HTX nông nghiệp Việt Nam có nền tảng quản trị thích ứng với chuyển đổi số.
Mô hình này được xây dựng với nền tảng “Quản trị tâm thế” (đã đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế). Đây là nền tảng đặc biệt cần thiết trong khu vực kinh tế tập thể và HTX, là nơi có sự liên kết của các cá nhân đơn lẻ. Nhờ có nền quản trị này, các hộ nông dân trong HTX, các HTX trong liên minh HTX sẽ xác định và hiểu rõ được ý nghĩa của các hoạt động họ thực hiện là có ích trước tiên cho chính họ chứ không phải cá nhân hoặc tổ chức khác. Do đó họ sẽ tập trung thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, đảm bảo việc xây dựng và duy trì hệ thống thật của từng khâu trong hoạt động sản xuất nông sản của HTX. Mô hình quản trị tinh gọn “Made in Vietnam” khi áp dụng trong các HTX nông nghiệp sẽ giúp loại bỏ các hoạt động không có ích, giữ lại những giá trị thật, căn bản của hoạt động quản trị và sản xuất nông nghiệp, nâng cao tính liên kết của các đối tượng trong chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp. Chỉ khi làm được điều này, các HTX nông nghiệp Việt Nam mới có nền tảng bền vững để áp dụng bất cứ công cụ và giải pháp quản trị nào, cụ thể là các công cụ và giải pháp về chuyển đổi số.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại CMCN 4.0, các HTX không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải chỉ là áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, mà phải được thực hiện từ “gốc rễ”, bắt đầu từ mô hình quản trị. Các giải pháp công nghệ và thông tin chỉ phát huy tác dụng trên một nền tảng mô hình, phương pháp quản trị khoa học phù hợp với đặc thù của các HTX nông nghiệp Việt Nam. Mô hình chuyển đổi số “Made in Vietnam” tại các HTX nông nghiệp sẽ là một lời giải cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị nông sản của HTX nông nghiệp Việt Nam.
Đến tháng 6/2021, cả nước có 26.145 HTX, tăng 863 HTX so với cùng kỳ năm 2020; trong đó 17.060 HTX nông nghiệp, 7.897 HTX phi nông nghiệp, 1.188 Quỹ tín dụng nhân dân. Khu vực HTX thu hút trên 6,81 triệu thành viên (tăng 838 thành viên so với ngày 31/12/2020) và 2,49 triệu lao động (giảm 18.083 lao động so với 31/12/2020). Tổng vốn điều lệ đạt trên 48,8 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,868 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản đạt trên 182,3 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 2,33% so với ngày 31/12/2020). |