Cần ưu tiên chuyển đổi số và tăng trưởng xanh
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương:
Đẩy mạnh chuyển đổi số để tận dụng tốt nhất các cơ hội
Trạng thái bình thường mới đòi hỏi cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức với nhận thức "trong nguy có cơ". Để đạt được kết quả khả quan từ những năm đầu của nhiệm kỳ, ngay lúc này cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà ngay sau khi dịch kết thúc.
Thực tế, trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị, các đảng bộ địa phương đã quán triệt tốt những định hướng tư tưởng, phát huy tinh thần sáng tạo, không rập khuôn, máy móc và chung chung… Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động, thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, vừa phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Chúng ta phải nắm bắt lấy đà này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trước tiên là chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ mà là của tất cả chúng ta. Đây cũng là ý nghĩa của việc lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số và sự thật là người dân thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp trên khắp mọi miền đất nước đã tham gia và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Để thực hiện chuyển đổi số cần quan tâm 3 yếu tố cơ bản. Một là hạ tầng công nghệ, đây là điều kiện cần, mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số. Hai là hệ thống thể chế, chính sách phải liên tục được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là chưa từng có. Ba là phát triển nhân tố con người, trong đó người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và có tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số...
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Chuyển đổi số gắn với xanh hóa nền kinh tế
Hiện có hai vấn đề rất quan trọng sẽ đóng góp vào quá trình tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian tới là chuyển đổi số và quá trình tăng trưởng carbon thấp, xanh hóa nền kinh tế. Đây cần được coi là những ưu tiên hàng đầu cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu kết hợp được hai yếu tố này, tăng trưởng năng suất sẽ tăng được từ 1-2 điểm phần trăm.
Đối với Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đã tăng cường áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Chính phủ điện tử với 2.000 thủ tục trực tuyến, thương mại điện tử. Hai lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tìm hiểu thêm một số mô hình chuyển đổi số từ các quốc gia láng giềng. Ngân hàng Thế giới cam kết tham gia hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra những khuyến nghị mạnh mẽ, có hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam trong quá trình này.
Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh phải có sự chung tay hợp tác từ Trung ương đến địa phương. Tại một số địa phương, có những vấn đề không thể giải quyết đơn phương độc mã như xử lý nước thải, hiện 15-20% nước thải hộ gia đình chưa được xử lý, nếu 63 tỉnh, thành đầu tư riêng lẻ cho hệ thống xử lý sẽ tạo ra sự chồng chéo. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh những chính sách mang tính truyền thống, đòi hỏi những kỹ năng quan trọng trong 1 nền kinh tế phát thải cacbon thấp hơn, các kỹ năng cần thiết của người lao động trong hệ thống giáo dục dạy nghề.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) |
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ):
Công cụ đảm bảo hiệu quả chính sách
Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư trong hơn 1 năm đôn đốc triển khai đã tích hợp được 164/200 chỉ số đánh giá về kinh tế - xã hội và tới đây sẽ thiết lập hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu để tạo ra kho dữ liệu phục vụ chia sẻ, kết nối giữa Chính phủ, địa phương và các lĩnh vực, ngành. Đây là quá trình lâu dài cần sự bền bỉ, hy vọng sẽ có sự đồng hành của các bộ, ngành.
"Khách hàng" sử dụng công cụ này là người đứng đầu các bộ, ngành địa phương… là người "khó tính". Họ luôn sử dụng dữ liệu để điều hành, mong muốn sử dụng công nghệ, chuyển đổi số, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Vì vậy phải có dữ liệu thì mới có thể điều hành điện tử. Đồng thời phải có thể chế mở đường, phải có công cụ, hạ tầng số và phải có con người mới thực thi thành công được.
Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông:
Giúp chính quyền biết được mức độ hài lòng của người dân
Chuyển đổi số là dịch chuyển lên môi trường số trong Chính phủ, doanh nghiệp… để hình thành nên xã hội số. Việt Nam muốn đi nhanh, đi toàn diện phải triển khai dựa trên nền tảng số, sẽ có những nền tảng số dùng chung trong một quốc gia, cho một lĩnh vực hay tại một địa phương. Khi dùng các nền tảng số này, nền tảng dữ liệu sẽ được tạo ra để lưu giữ tri thức, thậm chí chúng ta có thể dạy nền tảng số này thích ứng với con người và đáp ứng nhu cầu tốt hơn.
Việc chuyển đổi số làm thay đổi hoàn toàn việc giám sát thực thi. Đầu tiên là báo cáo, giám sát đối với dịch vụ công trực tuyến, đơn vị gửi một văn bản các địa phương sẽ phải tổng hợp báo cáo theo một mẫu và gửi lại và có trách nhiệm tổng hợp 63 tỉnh, thành để báo cáo Chính phủ, cả quá trình kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, chúng tôi công khai việc này trên nền tảng giám sát Chính phủ số giúp tại thời điểm bất kỳ đo đạc được có bao nhiêu người đang vào cổng dịch vụ công của một tỉnh, đang vào dịch vụ nào, dừng lại ở dịch vụ bao lâu, đo được thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho đến lúc trả kết quả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cấp trên sẽ có số liệu tổng hợp để gửi về địa phương sử dụng, vì vậy dữ liệu là tức thời, chính xác, cách giám sát thực thi đã khác hẳn.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng một nền tảng để các Sở cùng làm việc, thảo luận. Như vậy, 64 việc của Trung ương và địa phương chỉ còn là 1 việc được 64 đơn vị cùng làm, đối với 1 sở sẽ có 63 sở khác và Cục tin học hóa hỗ trợ. Việc đưa 100% dịch vụ công lên mức độ 4, kết nối dữ liệu dân cư đã góp phần giảm 64 lần công việc.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp quá trình đánh giá cán bộ, công chức minh bạch, công khai. Bởi, toàn bộ quá trình hoạt động đã được ghi lại trên nền tảng số. Kết quả của chính quyền địa phương làm ra là để phục vụ người dân, nhờ có chuyển đổi số sẽ giúp chính quyền biết được mức độ hài lòng của người dân.