“Chuyện đời xưa” thổn thức đến ngày nay
Dù tác phẩm “Chuyện đời xưa” của tác giả Trương Vĩnh Ký ra đời cách đây hơn thế kỷ, tuy nhiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống thực tại. “Chuyện đời xưa” vừa được Nhà xuất bản Văn học tái bản, tiếp tục đến với độc giả các thế hệ những bài học làm người sâu sắc, dạy mỗi người cách đối nhân xử thế trong đời sống.
Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) là một học giả, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng (Hán, Latinh, Hy Lạp, Pháp, Anh, Nhật...) là chủ bút tờ Gia Định báo. Sinh thời, Trương Vĩnh Ký viết rất nhiều sách, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, thuộc đủ loại: lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học... Một trong những dấu ấn lớn nhất của Trương Vĩnh Ký là sưu tầm, phiên âm các truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam: Truyện Kiều (1878), Lục Vân Tiên (1889), Phan Trần (1889), Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Lục súc tranh công (1887), Chuyện đời xưa (1886), Chuyện khôi hài (1882) và một số tác phẩm đương thời Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1887), Gia Định thất thủ vịnh (1882), Trung nghĩa ca (1888).
Bìa cuốn Chuyện đời xưa |
Nổi bật trong số này là cuốn Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký. Đây là quyển sách bán chạy nhất và đi vào lòng dân chúng trong số hàng trăm tác phẩm của ông. Năm 1914, Chuyện đời xưa đã in tới 9.000 bản trong một quốc gia lúc đó dân số chưa đầy 15 triệu với đường xá lưu thông không thuận tiện, sách báo in ở Sài Gòn lưu hành ra Trung và Bắc không phải là chuyện sinh lợi. Khi chữ quốc ngữ phát triển đã vững vàng thì quyển sách này lại là món hàng được các nhà xuất bản ưa chuộng.
Mới đây, Chuyện đời xưa đã được Nhà xuất bản Văn học tái bản, được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Tác phẩm này đã giáo dục về luân lý, cho người đọc thấy những bài học tốt dùng trong cách ở đời của cả nam lẫn nữ, các ứng xử phải đạo vào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin, chớ cho rằng mình hay giỏi… Bên cạnh đó, trong Chuyện đời xưa dùng ngôn ngữ Việt bình dân, với sự hóm hỉnh và đầy cuốn hút. Ở mặt sự kiện trong truyện, tác giả còn khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng hầu hết là vào đầu thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy, không thể hiểu cho tường tận do sự thay đổi của xã hội (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, đèn ló của ăn trộm, mõ ống, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể, thách cưới, ăn chè trưa, thầy pháp trừ tà…).
Nội dung tác phẩm, đại khái nhân vật được nói đến có hai loại, người và động vật. Với tỷ số 13/74 truyện loài vật nên Trương Vĩnh Ký có lý khi đặt tên quyển sách của mình là Chuyện đời xưa mà không phải là “Chuyện ngụ ngôn”. Chuyện về người chiếm 61/74, kể đủ thứ: người khờ khạo, người “đi bạn” khùng, anh sợ vợ, tên nói láo gạt người, gã hà tiện tới chết không chừa, kẻ ba xạo để kiếm chút cơm, người tham ăn với con với dâu với vợ, ông thầy dốt chữ tham ăn, ông thầy pháp sợ ma, quan lại ăn hối lộ bị nói xâm chưởi xéo, con gái ham chồng làm quan lớn… Đủ hết bức tranh xã hội về mặt tiêu cực của mọi thời. Do đó, đây không phải là chuyện giải trí, cũng không phải là tiếu lâm, đây là những chuyện có tính cách luân lý.
Những mẩu chuyện cười trong Chuyện đời xưa đã thể hiện được tính “đa nghĩa” của tiếng cười. Nhờ những câu chuyện dân gian hài hước mà tác giả sưu tầm và tuyển chọn, ta thấy được tiếng cười là lăng kính đa sắc để phản ánh muôn mặt của đời sống. Chúng ta có thể dùng nó để chế giễu những kẻ ngốc, chỉ biết bắt chước người khác một cách máy móc. Tiếng cười còn là công cụ sắc bén mà cũng đầy ý nhị phê phán những kẻ chuyên cậy quyền, cậy thế, hà hiếp người khác. Ngoài ra, trong Chuyện đời xưa còn có nhiều truyện cười để châm biếm những hủ tục xấu trong xã hội như: mê tín dị đoan, trọng nam khinh nữ, thói tham lam, ích kỷ của một bộ phận dân chúng.
Có thể nói, Chuyện đời xưa là cuốn sách tổng hợp những câu chuyện khôi hài thích hợp để đọc vui xả hơi sau ngày làm việc mệt nhọc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Ngoài ra, cuốn sách này dành cho những người chú ý tìm hiểu/nghiên cứu ngôn ngữ - văn chương Nam Bộ, hoặc biên soạn từ điển tiếng Việt cần đọc, vì bên trong chứa đựng rất nhiều tiếng địa phương độc đáo của miền Nam nước Việt, một thứ văn liệu quý hiếm xác thực để làm việc.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đánh giá, các sáng tác của Trương Vĩnh Ký cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời... Từ những tình huống quen thuộc trong đời sống, Trương Vĩnh Ký đã xây dựng những mẩu chuyện vừa ngắn gọn lại hài hước, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh quý báu. Hơn nữa, tuy là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền Tây học, lại từng làm quan cho chính quyền thực dân, nhưng Trương Vĩnh Ký vẫn rất yêu tiếng Việt. Âm điệu ngọt ngào của tiếng mẹ đẻ luôn trong tâm trí ông mà Chuyện đời xưa là một minh chứng rõ nét.