Cổ phiếu SHB tăng mạnh sau khi được đưa vào rổ chỉ số VN30
Trong phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu SHB là 1 trong 5 cổ phiếu trên HOSE có khối lượng giao dịch nhiều nhất, đạt trên 21 triệu, tăng 3,3%, lên mức 14.150, phá vỡ vùng kháng cự 14.000, hướng tới vùng kháng cự 20.000 tạo lập từ cuối tháng 8/2022, góp phần giúp vốn hóa tăng lên mức 43,4 nghìn tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu SHB được duy trì từ đầu tháng 5 tới nay, tăng trên 29% với với khối lượng giao dịch bình quân/ngày theo tháng và quý lần lượt đạt 21,3 triệu và 23 triệu.
Tính từ đầu năm tới ngày 18/7, cổ phiếu SHB đã tăng 42% - một trong những mã ngành Ngân hàng tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Đồng thời cố phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trong 13 mã ngân hàng trong rổ VN30 – xứng đáng với danh hiệu “vua thanh khoản”.
Cổ phiếu SHB đang nhận được tín hiệu tích cực từ các dòng tiền lớn khi tự doanh chứng khoán đã âm thầm mua vào trong hơn 1 tháng trở lại đây. Dòng tiền tổ chức cũng bắt đầu mua trở lại.
Tương tự, khối ngoại cũng liên tục gia tăng vị thế ở cổ phiếu SHB kể từ đầu tháng 6 đến nay, mua ròng với khối lượng đạt 12 triệu. Trong chuỗi mua ròng của khối ngoại, cổ phiếu SHB ghi nhận được mua ròng nhiều tuần liên tiếp, giá trị lớn.
Mới đây, SSI Research ước tính, SHB sẽ được các quỹ ETF (VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30, và KIM VN30) mua vào 19 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ trọng 2,85%. Đây là 4 quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu, với tổng tài sản ước tính khoảng 9.200 tỷ đồng.
Việc SHB được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đặc biệt đến từ một số lý do đây là cổ phiếu uy tín được các công ty chứng khoán dự đoán và HOSE đưa vào rổ VN30; Thị giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu về mức hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng là rất lớn; Kết quả kinh doanh của SHB trong quý I đạt tốt và dự báo quý II đạt kế hoạch đề ra.
Trước đó, hồi tháng 4/2023, tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo SHB cũng đã công bố việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 36.645 tỷ đồng. Ngày 25/07/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022.
Cùng thời gian này, SHB cũng đã hoàn thành việc hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.
Tiếp đến, ngày 6/7, Reuter đưa tin, SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể mức 2-2,2 tỷ USD. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Theo SHB, ngân hàng đang chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện hướng mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả tại Việt Nam, ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất và là ngân hàng số được yêu thích nhất.
Những thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu SHB thăng hoa mạnh mẽ, mang niềm vui lớn cho các nhà đầu tư đang nắm giữ, đóng góp tích cực vào đà tăng điểm VN-index.
VN-index hướng đến 1.200 điểm
Theo Yuanta Việt Nam Reseach ngày 19/7 cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về vùng kháng cự 1.190 – 1.200 điểm trong vài phiên tới.
Theo phân tích của Yuanta Việt Nam Reseach, đồ thị giá của chỉ số nhóm Ngân hàng đang đạt mức cao nhất 52 tuần. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số nhóm Ngân hàng vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua và nắm giữ nhóm cổ phiếu này. Trong đó, cổ phiếu mạnh nhất nhóm Ngân hàng: VCB, STB, SHB, PGB, LPB.
Đồng quan điểm với Yuanta, theo báo cáo tuần (từ 17/7 - 21/7) của Công ty Chứng khoán BSC, VN-Index đang hướng về 1.200 điểm, và nhà đầu tư tiếp tục tận dụng cơ hội để tăng tỷ trọng nắm giữ khi thị trường dần phân hóa trước kết quả kinh doanh quý II.
Theo BSC, Nghị quyết 97 tại cuộc họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1,5% - 2%, hạn mức tín dụng cả năm 13- 15%... Các tổ chức tín dụng trong Hội nghị sơ kết ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm cũng đồng thuận giảm lãi suất đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống từ NHNN, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đang giảm về dưới 8% giúp cho lãi suất bình quân giảm, qua đó tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm trong 6 tháng cuối năm.
BSC nhận định, xu hướng tăng điểm đang có sự hỗ trợ của thanh khoản vượt ngưỡng trên của vùng tích lũy 1.120 – 1.140 điểm. Chỉ số tiếp tục xu hướng tăng điểm ngắn hạn với phiên giao dịch chỉ hướng đầu tuần như đã đề cập trong tuần trước. VNIndex đang có động lực hướng tới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong tuần tới. Dù vậy khi giá đang bám sát dải bollinger band trên, các chỉ báo vào vùng quá mua và xuất hiện tín hiệu phân kỳ nhẹ thì hoạt động rung lắc sẽ diễn ra rõ ràng hơn trong tuần tới.