“Con đường Tơ lụa” phiên bản mới: Nỗ lực hồi sinh một huyền thoại
Với mặt hàng mua bán chủ yếu và đầu tiên là tơ lụa, “Con đường Tơ lụa” từng được coi là một tuyến đường giao thương quan trọng trong giai đoạn trước đây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của châu Á và châu Âu.
Con đường Tơ lụa này đã kết nối Trung Quốc với Địa Trung Hải, trải dài từ các tỉnh Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh của Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…
Hồi tháng 11/2014 tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều tỷ USD để thiết lập quỹ Con đường Tơ lụa để đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, hợp tác công nghiệp và tài chính, cũng như các dự án khác có liên quan trong nỗ lực hồi sinh tuyến đường huyền thoại này.
Dự kiến, Con đường Tơ lụa “phiên bản mới” sẽ có điểm khởi đầu từ Trung Quốc qua Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vượt eo biển Bosporus đến châu Âu.
Vang bóng một thời
Con đường Tơ lụa xưa có chiều dài khoảng 6.437 km, bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Vào thế kỷ thứ 3 Trước Công nguyên, Trung Quốc đã tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa sớm nhất trên thế giới song tơ lụa thời đó chỉ dành riêng cho vua chúa và quý tộc ở Trung Quốc.
Kể từ Con đường Tơ lụa đi vào hoạt động, các thương nhân Trung Quốc quyết định đem sản phẩm này tới thế giới phương Tây và sau đó, số mặt hàng mua bán thông qua con đường này ngày càng gia tăng.
Tuy vậy, các cuộc chiến tranh và hoạt động cướp phá đã khiến cho hoạt động thương mại thông qua con đường này gặp trở ngại và phải thu hẹp. Sau khi đế quốc Nguyên Mông mở rộng lãnh thổ ra khắp châu Á và châu Âu, hoạt động mua bán nơi đây thịnh vượng trở lại.
Tuy vậy, chính con đường này đã “giúp” phát tán bệnh dịch hạch ra khắp châu Âu, Trung Đông, Nga và một phần châu Á trong giai đoạn 1348-1350, khiến rất nhiều người thiệt mạng và ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động thương mại thông qua con đường này.
Cuối cùng, số phận của Con đường Tơ lụa cũ cũng kết thúc trong thế kỷ 15, sau khi chính quyền nhà Minh tại Trung Quốc đã kiểm soát Con đường Tơ lụa và việc bắt nộp thuế cao nên khiến nhiều thương nhân phải tìm đến con đường vận chuyển khác. Bên cạnh đó, đế chế Ottoman (từ năm 1299 trước công nguyên - 1922 trước công nguyên) nổi lên cũng cản trở hoạt động thương mại và góp phần dẫn tới sự lụi tàn của con đường này.
Các sử gia nhận định, Con đường Tơ lụa ban đầu ra đời để phục vụ lợi ích của các thương nhân nhưng càng về sau cùng với nhiều biến động của thời cuộc, vai trò của nó đối với lịch sử thế giới là rất quan trọng khi không chỉ kết nối thương mại giữa phương Đông và phương Tây mà còn là cầu nối giao thoa chính trị, tôn giáo, văn hóa, khoa học-kỹ thuật giữa Trung Quốc với vùng Trung Đông và cả các nước châu Âu.
Nỗ lực hồi sinh
Trong chuyến công du Trung Á hồi tháng 9/2013, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mong muốn hồi sinh tuyến đường huyền thoại trên khi đưa ra sáng kiến “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa”. Đây là một hệ thống các trục giao thông và đặc khu thương mại tự do sẽ nối kết vùng Đông Á với Nam Á, Trung Đông, kéo dài từ bờ Tây Thái Bình Dương tới biển Baltic, với 3 tỷ người tiêu dùng, tương đương 50% dân số thế giới.
Tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc với châu Âu đã hoạt động, đi qua Kazakhstan, Nga… cho tới hải cảng Duisburg (Đức). Ước tính, chuyến hàng đầu tiên vận chuyển ô tô xuất phát từ châu Âu sang Trung Quốc bằng đường sắt chỉ mất khoảng 15 ngày, so với 40 ngày nếu đi đường biển.
Đến ngày 12/9/2014 tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Trung Quốc - Mông Cổ lần đầu tiên, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 14 ở Thủ đô Dushanbe (Tajikistan), ông Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã ủng hộ đề xuất thành lập một hành lang kinh tế nối liền ba nước láng giềng.
Theo ông Tập Cận Bình, dự án này sẽ kết nối các sáng kiến Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, hệ thống đường sắt xuyên lục địa của Nga và chương trình Con đường thảo nguyên của Mông Cổ.
Cũng trong nỗ lực trên, vào tháng 11/2014 tại Hội nghị APEC ở Bắc Kinh, trong cuộc họp với các lãnh đạo của Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan, ông Tập Cận Bình cho hay mục tiêu của quỹ Con đường Tơ lụa là để “phá vỡ tình trạng thắt cổ chai trong kết nối” tại châu Á, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư từ châu Á cũng như bên ngoài khu vực.
Theo ông Tập Cận Bình, quỹ sẽ được dùng để cấp vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và tài chính, từ đó tạo ra mối liên kết bền chặt hơn giữa các nước dọc theo Con đường Tơ lụa phiên bản mới.
Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm hồi sinh giao thương dọc tuyến đường nối giữa Trung Quốc và Địa Trung Hải.
Và mới nhất, Trung Quốc ngày 21/1 vừa qua đã thông báo kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Bắc Kinh - Moskva và đây là dự án chính trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.
Thành phố Bắc Kinh cho hay tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới được đề xuất này sẽ dài hơn 7.000 km và chạy qua Trung Quốc, Kazakhstan và Nga với vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ nhân dân tệ (242 tỷ USD) khi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Bắc Kinh đến Moskva của Nga từ khoảng 6 ngày hiện nay xuống còn khoảng 2-3 ngày.
Giáo sư Zhou Fangyin tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông cho rằng, Con đường Tơ lụa phiên bản mới sẽ thu hút sự quan tâm của một số nước châu Á đang mong muốn phát triển hạ tầng nhưng gặp khó khăn do thiếu vốn và công nghệ.
Còn theo Phó giám đốc Viện Chính trị và kinh tế thế giới (IMEMO) Vasily Mikheev, khi thị trường nội địa không còn đủ khả năng hấp thụ nguồn vốn này thì điều tất yếu là Trung Quốc sẽ phải hướng ra thị trường bên ngoài, vừa để giải phóng năng lực đầu tư vừa để mở rộng và nâng cao tầm ảnh hưởng kinh tế-chính trị trên trường quốc tế.
Mặc dù nỗ lực này sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của song đây chính là chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” mà Trung Quốc đang theo đuổi.