Còn nhiều lối để huy động tài chính xanh
Tăng tốc chuyển dịch năng lượng sang "xanh" thông qua cải cách hệ thống tài chính | |
Tài chính xanh mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng Việt | |
Tài chính xanh phục hồi nhanh sau đại dịch |
Việt Nam bắt đầu kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn theo Quyết định 687/QĐ-TTg (QĐ687) ngày 7/6/2022 về “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, nhưng nguồn tài chính cho mô hình này vẫn là thách thức lớn.
Hiện nay, trên thị trường đã có trái phiếu xanh, huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) và dư nợ tín dụng xanh, song quy mô vẫn còn nhỏ, nhiều tiêu chí lạc hậu và chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Thị trường đã manh nha nhưng còn nhỏ bé
Theo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển của kinh tế tuần hoàn, đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ các mô hình kinh tế này.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn. Vì vậy, cho tới nay việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chủ yếu vẫn là cuộc chơi của những ông lớn.
Cụ thể, về trái phiếu bền vững, số liệu từ Climate bonds và HSBC (2021) cho thấy quy mô thị trường nợ bền vững, quy mô trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD năm 2021, gấp 5 lần năm 2020. Trong đó, riêng quy mô trái phiếu xanh đạt 1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN (sau Singapore).
Công cụ nợ xanh ở Việt Nam được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính (đặc biệt là ngành vận tải và năng lượng). Một số đợt phát hành nổi bật là Vingroup với 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn trên thị trường quốc tế; EVNFinance với 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh trong nước.
Phải phối hợp cả tín dụng ưu đãi và thương mại mới có thể huy động đủ nguồn lực phát triển kinh tế xanh. |
Tuy nhiên, quy mô trái phiếu xanh của Việt Nam còn nhỏ, chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021, thấp hơn 8 lần quy mô trái phiếu xanh của Singapore dù đứng thứ hai về quy mô phát hành trong ASEA. Đó là chưa kể thị trường Việt Nam cũng chưa đáp ứng yêu cầu về Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG), chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.
Về huy động vốn trên TTCK, chỉ số bền vững (VNSI) bắt đầu được áp dụng từ năm 2017 với sự tham gia của 20 doanh nghiệp niêm yết bền vững hàng đầu Việt Nam (được lựa chọn trong số 100 công ty lớn nhất trên sàn HSX). Các doanh nghiệp này nằm trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp sạch, xanh và ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…); chuyển đổi năng lượng sạch; giao thông, cung cấp điện nước, công nghệ thông tin và truyền thông.
Đồng thời, TTCK Việt Nam đã tham gia sáng kiến TTCK bền vững (SSE) từ năm 2016, tuy nhiên việc tuân thủ khung quản trị ESG chưa phổ biến. Bộ chỉ số bền vững cũng hạn chế số lượng doanh nghiệp và nhiều tiêu chí đã lạc hậu.
Với vốn tín dụng ngân hàng, theo NHNN tính đến tháng 8/2022, có khoảng 70 TCTD xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng xanh; 9 TCTD có thiết lập các điều khoản hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh; gần 20 TCTD xây dựng được sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh với các dự án xanh là 451.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ), gấp gần 6 lần mức 70.800 tỷ đồng năm 2015.
Có thể thấy trong 3 trụ cột cung ứng vốn cho phát triển bền vững tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh và tích cực nhất trong giai đoạn 2016-2021, song quy mô dư nợ tín dụng xanh vẫn còn khá nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế.
Hơn nữa, nguồn vốn này cũng chỉ tập trung tại một số NHTM lớn. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho tín dụng xanh còn phụ thuộc vào các dự án, chương trình có tài trợ quốc tế, thường có quy mô nhỏ và điều kiện khắt khe, vì vậy rất khó nhân rộng và lan tỏa.
Làm rõ nội hàm để khơi nguồn vốn
Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2021 đã dự báo Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, tiến tới mục tiêu lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong tổng nguồn lực này, khoảng 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân trong và ngoài nước.
TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế xanh, bền vững, tuy nhiên khái niệm và nội hàm vẫn có sự khác biệt nhất định so với kinh tế xanh. Vì vậy, cần xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.
Ông Lực khuyến nghị cần xây dựng và thực thi “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Đồng thời, cần phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững, như xây dựng quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng đối với kinh tế tuần hoàn và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, vốn ODA hay viện trợ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội, song nếu là vay vốn để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thì cần đẩy mạnh, tích cực đàm phán để thu hút nguồn vốn quốc tế đa dạng.
Ông Patrick Lenain - Tổ chức tài chính vi mô CEP lưu ý, để thu hút vốn mạnh hơn thì việc định nghĩa rõ ràng về các hoạt động thân thiện với môi trường cùng các tiêu chí đi kèm là rất quan trọng. Hiện nay một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã ban hành được hệ thống phân loại của riêng mình, trong khi Việt Nam chưa làm được điều này.
Vị này cho rằng việc áp dụng cách phân loại rõ ràng sẽ tạo cơ sở cho các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí tương ứng để xác định thế nào là một ngành kinh tế xanh nhằm tài trợ vốn, đồng thời cũng khuyến khích đầu tư xanh từ các nhà đầu tư tài chính khác như bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí…
Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu về nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho các ngành này, nhất là từ các quỹ đầu tư, các thị trường tài chính quốc tế, nguồn vốn tài trợ song và đa phương.
Theo các chuyên gia, phải phối hợp cả tín dụng ưu đãi và thương mại, mới có thể huy động đủ nguồn lực cho 3 mục tiêu chính là: tăng trưởng xanh, lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; và thích ứng biến đổi khí hậu.