Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc: Chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh
Đây là những khuyến nghị được ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 19/3.
Theo ông Hong Sun, KoCham đã tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang gặp phải. Trong đó tại Hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun nêu cụ thể 4 nhóm vấn đề lớn và các khuyến nghị.
Thứ nhất liên quan đến tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). Thuế suất hiệu dụng của các công ty hàng đầu đầu tư vào Việt Nam hiện nằm trong khoảng 5-10%, đây là mức chênh lệch lớn so với mức 15% mà thuế tối thiểu toàn cầu yêu cầu (theo hệ thống thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được áp dụng từ năm nay). Do đó, việc nộp các khoản thuế bổ sung sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách giảm thuế hiện nay.
Hiện Việt Nam đang dự thảo Nghị định nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ) nhưng còn nội dung các doanh nghiệp băn khoăn.
“Đặc biệt, do mục tiêu hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ đầu tư như dự thảo chỉ giới hạn ở các công ty có mức đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên nên không chỉ số lượng công ty được hưởng lợi rất ít mà hầu hết các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể được hưởng lợi từ chính sách này”, Chủ tịch KoCham nói và cho rằng theo đó, đầu tư mới sẽ giảm và hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, khiến việc duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng đầu tư của họ trở nên khó khăn hơn.
Ông Hong Sun, Chủ tịch KoCham |
“Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ nhanh chóng đưa ra phương án mang lại lợi ích thiết thực hơn cho các doanh nghiệp FDI khi thực hiện Nghị quyết áp thuế tối thiểu toàn cầu để nhiều doanh nghiệp sẽ có thể kinh doanh ổn định hơn tại Việt Nam”, ông Hong Sun đề xuất.
Vấn đề thứ hai được Chủ tịch KoCham nêu ra là nguồn cung điện. Nhắc lại câu chuyện đầu hè năm 2023, khi khu vực phía Bắc (bao gồm các khu công nghiệp) đã gặp tình trạng mất điện do thiếu nguồn cung điện, áp dụng cắt điện định kỳ ít nhất là 2-3 lần mỗi tuần, vị này cho rằng, nguy cơ thiếu điện là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc trì hoãn quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các công ty trong ngành công nghệ cao. Vì rậy, rất mong Chính phủ dứt điểm đưa ra phương án cung cấp điện ổn định để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, sẽ tăng cường đầu tư và kinh doanh ổn định tại Việt Nam.
Liên quan đến đề xuất sửa đổi thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch KoCham cho biết vào tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành vào kế hoạch ban hành luật năm 2024 và bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9: “Bãi bỏ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan”.
Tuy nhiên theo KoCham, các dịch vụ được tiêu thụ trong khu phi thuế quan là các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu của các doanh nghiệp chế xuất và việc áp thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ đó chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp này, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ liên quan cho doanh nghiệp chế xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Gánh nặng này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp chế xuất và làm giảm hoạt động sản xuất, đầu tư xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị duy trì “Áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan”, Chủ tịch KoCham đề xuất, ngoài ra cũng đề nghị các cơ quan liên quan đảm bảo tuân thủ thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.
Nhóm vấn đề cuối cùng được Chủ tịch KoCham đưa ra là thực trạng hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung cấp sản phẩm và công nghệ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc rất hạn chế. Đặc biệt, khoảng cách ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngành công nghệ cao và vấn đề đặt ra là làm sao doanh nghiệp Việt Nam vừa phải đảm bảo cung cấp sản phẩm, vừa phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để tang cường năng lực trong ngành công nghiệp này.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh, ông Hong Sun đề xuất cần có các biện pháp đặc biệt nhằm mở rộng và phát triển mối quan hệ kinh doanh thiết thực giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của hai nước. Rất cần thiết sự chung tay của Chính phủ trong việc quan tâm đến phát triển và bồi dưỡng nhân tài trong ngành vật liệu/linh kiện và trang thiết bị. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới”, Chủ tịch KoCham cho biết.
“Chính phủ Việt Nam đã luôn hỗ trợ hết sức tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Và chúng tôi cũng hy vọng những kiến nghị ngày hôm nay sẽ được cân nhắc một cách tích cực. Tôi bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục cố gắng hết sức trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước”, ông Hong Sun tin tưởng.