Công ty tài chính vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
SeABank và AEON Financial ký kết hợp đồng chuyển nhượng Công ty tài chính PTF Ký hợp tác chiến lược và trao Hợp đồng chuyển nhượng Công ty Tài chính PTF |
Đơn cử, Tập đoàn Home Credit vừa công bố ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho bên mua là Ngân hàng SCB của Thái Lan (The Siam Commercial Bank Public Company Limited) thuộc Tập đoàn công nghệ tài chính của Thái Lan. Theo thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu Euro (tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng), quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan.
Home Credit Việt Nam thuộc sở hữu của tập đoàn đầu tư quốc tế PPF hoạt động năm 2009. Công ty này đã mang văn hóa tiêu dùng trả góp (xe máy, đồ gia dụng, điện tử, nội thất…) đến Việt Nam, sau 25 năm hoạt động đến nay giữ thị phần lớn thứ hai, chiếm khoảng 14% tổng giá trị thị trường. Ngoài ra, công ty tập trung đẩy mạnh số hóa những năm gần đây, hiện nay đã trở thành một trong những công ty tài chính số hàng đầu, với khoảng 6.000 nhân viên đã và đang phục vụ hàng triệu khách hàng trên cả nước. Theo quan sát, SCB là một trong những thành viên của tập đoàn công nghệ tài chính SCBX hàng đầu tại Thái Lan, việc mua lại Home Credit, ngân hàng Thái triển khai các hoạt động tài chính cá nhân nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.
Cho vay tiêu dùng qua ứng dụng di động đang trở thành xu thế mới của các công ty tài chính phát triển sản phẩm |
Trước đó, thị trường tài chính tiêu dùng đã ghi nhận một thương vụ “đình đám” là VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) mang về 1,4 tỷ USD. Tại thời điểm đó, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit dẫn đầu thị trường với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên, phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp.
Hai công ty tài chính Home Credit và FE Credit chiếm thị phần lớn trên thị trường đã được mua bán sáp nhập (M&A) cho nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Á. FE Credit ngay từ đầu đã không giấu diếm tham vọng mở rộng thị phần để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn tăng quy mô.
Trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, Home Credit liên tục có cải thiện về hình ảnh một công ty phát triển vững thông qua việc áp dụng các quy chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) góp phần mang lại các giải pháp tài chính mới, bền vững. Các tiêu chuẩn ESG trong ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đến nay mới được nhắc đến nhiều nhất là trường hợp Home Credit. Công ty này mở rộng các hoạt động ESG thông qua việc củng cố kho dữ liệu về các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) của ESG, đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính qua nhiều kênh khác nhau ở Việt Nam.
Trong bối cảnh mức chi tiêu của người dân yếu đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Home Credit Việt Nam tiên phong trong phát triển ứng dụng di động (App), giúp khách hàng dễ đăng ký, thanh toán và theo dõi khoản vay. Các dự án Home for Life, Home Smart, Home Love… đã tạo ra hình ảnh cho vay thân thiện và bắt kịp xu hướng thương mại điện tử.
Mới nhất là thương vụ SeABank ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ được công bố có giá trị 4.300 tỷ đồng. Theo SeABank, thỏa thuận này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể để nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tính đến cuối năm 2023 có dư nợ khoảng 2,4 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng của các công ty tài chính vào khoảng 135.000 tỷ đồng, giảm khoảng 70.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện nay có 16 công ty tài chính được NHNN cấp giấy phép hoạt động và từ nhiều năm qua cơ quan quản lý không cấp mới thêm một giấy phép nào. M&A một công ty tài chính có quy mô lớn là một hướng đi tắt đón đầu của nhà đầu tư ngoại trong việc được phép kinh doanh, thu lại được mạng lưới và đội ngũ nhân sự ở Việt Nam. Một điểm đáng lưu ý, các công ty tài chính hoạt động ở Việt Nam có cơ hội rất lớn là một kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen. Công ty tài chính nào có tệp khách hàng lớn và mạng lưới kinh doanh rộng lớn sẽ có cơ hội lớn hơn trong mở rộng cho vay, đa dạng các sản phẩm dịch vụ, mang lại lợi nhuận trong thời gian tới.