Covid-19 "ép bẹp" bán lẻ, kéo thấp giá mặt bằng nhưng "mở cửa" cho kinh doanh trực tuyến
Ảnh minh họa |
Doanh thu bán lẻ bị "ép bẹp"
Theo Báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản tại Hà Nội của CBRE Việt Nam, trong quý I/2020, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú Việt Nam lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Trung tâm thương mại, theo quan sát của CBRE Việt Nam, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 70 - 80% tại các dự án.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, Trưởng Bộ phận Định giá, Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho hay, doanh thu các ngành hàng được ghi nhận giảm khác nhau dưới sự ảnh hưởng của Covid-19. Các ngành hàng buộc phải đóng cửa như giáo dục gần như không có doanh thu, trong khi đó các ngành hàng như ăn uống, thời trang và phụ kiện hoặc giải trí thì doanh thu có thể giảm từ 50-80%. Một vài thương hiệu ăn uống buộc phải cắt giảm hoạt động của nhiều chi nhánh.
Giá thuê trung bình tầng trệt và tầng một, không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ. (Nguồn: CBRE Việt Nam) |
Giá mặt bằng cho thuê "lao dốc"
Đầu năm 2020, nhiều chủ đầu tư đang trong tư thế chờ đợi, tạm hoãn những chính sách hỗ trợ khách thuê với hy vọng Covid-19 sẽ được kiểm soát trong quý I/2020.
Tuy nhiên trong tháng 3, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu hỗ trợ giá thuê và tăng cường hoạt động kích thích mua sắm. Các mức giảm giá thuê từ 20 - 30% đã được áp dụng tại một số dự án, và có khả năng sẽ tiếp tục trong quý II/2020 nếu dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ trước thời điểm giữa năm.
Trong quý này, tuy giá chào thuê chưa ghi nhận điều chỉnh, giá thuê thực khu vực trung tâm quan sát mức giảm 6,6% theo quý, trong khi khu vực ngoài trung tâm chịu tác động mạnh hơn - chứng kiến mức giảm 18,1% theo quý.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội, các quyết định giảm giá tiền thuê được áp dụng từ tháng 4 trở đi sau yêu cầu đóng cửa hoạt động của Chính phủ có thể gây áp lực hơn nữa đối với giá thuê của thị trường bán lẻ Hà Nội. Tác động dự kiến sẽ lớn hơn đối với các dự án ngoài trung tâm, trong khi giá thuê tại khu vực trung tâm sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ hơn.
Về tỷ lệ trống, dù các trung tâm thương mại hiện đang dừng hoạt động do dịch bệnh, chúng tôi chưa ghi nhận yêu cầu chấm dứt hợp đồng đến từ các khách thuê. Vì vậy, tạm giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước.
Sự gia nhập và mở rộng của một vài các nhãn hiệu cao cấp tại Hà Nội đã đóng góp trong việc giảm tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm, nay đạt mức 0,7% - thấp hơn 0,6 điểm phần trăm theo quý. Trong khi đó, với lượng nguồn cung mới tương đối lớn trong năm 2019, các dự án vừa đi vào hoạt động vẫn đang trong quá trình đạt mức lấp đầy ổn định. Tỷ lệ trống bình quân tại khu vực ngoài trung tâm ở mức 8,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với quý trước.
Kinh doanh trực tuyến tăng tốc
Trong khi hoạt động bán lẻ tại các trung tâm thương mại đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, thương mại điện tử đang ghi nhận những con số tăng ấn tượng. Dịch bệnh bùng phát đã dẫn tới sự gia tăng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, với chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến tăng mạnh kể từ tháng 1 năm nay.
Bà Nguyễn Hoài An cho biết, nhằm đối phó với dịch bệnh, nhiều nhà hàng đã chọn kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử như Now và GrabFood, hoặc thậm chí áp dụng các dịch vụ giao hàng của riêng họ.
Ngoài ra, các hệ thống siêu thị đang chạy đua về con số doanh thu qua điện thoại/bán hàng trực tuyến, khi người dân có xu hướng dự trữ thực phẩm trong thời gian cách ly.
Các kênh siêu thị điện tử như SpeedL của LotteMart đã ghi nhận mức tăng 100 - 200% trên số đơn hàng, trong khi Vinmart mở rộng phạm vi giao hàng tại hầu hết các siêu thị còn đang hoạt động. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong các tháng tới khi người mua vẫn đang tránh đi tới các trung tâm thương mại và những địa điểm đông đúc khác.