Cửu đỉnh: Bộ “bách khoa toàn thư” quý hiếm
Cửu đỉnh - di sản trường tồn |
Nguồn lực mới thú hút khách du lịch
Tại Thủ đô Ulanbaatar của Mông Cổ, ngày 8/5 vừa qua, Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế).
Cửu đỉnh của nhà Nguyễn là 9 đỉnh đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế |
Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và Thừa Thiên - Huế có di sản thế giới thứ 8.
Bình luận về sự kiện này, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World - MOW) của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nói: Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.
Việc Thừa Thiên - Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTTDL kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Vân - Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) kiêm Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ, đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên - Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam. Việc hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”. Đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu. “Việc Thừa Thiên - Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực”, bà Vân nhấn mạnh.
Ông Lê Công Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” chính thức trở thành di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO thực sự là niềm vui và vinh dự của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh về lâu dài; đặc biệt, đây sẽ là động lực để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế.
Những kiệt tác bằng đồng
Cửu đỉnh - tức là 9 chiếc đỉnh bằng đồng (có tên gọi lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh) gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt trước sân Thế Miếu trong khu Hoàng thành Huế.
Cửu đỉnh do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Trên mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của Vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu: Cao đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của vua Minh Mạng), Chương Đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của vua Tự Đức), Nghị đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của vua Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của vua Khải Định); còn Dụ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào thì Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ vĩnh viễn vương triều nhà Nguyễn.
162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Cửu đỉnh là những kiệt tác bằng đồng. Bộ báu vật này được chế tác bởi các nghệ nhân bậc thầy về đúc đồng thời nhà Nguyễn. Kỹ thuật khắc nổi những họa tiết, hoa văn tinh tế với những hình ảnh sống động trên bộ Cửu đỉnh đòi hỏi các nghệ nhân phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định.
Cửu đỉnh được giới nghiên cứu đánh giá như một bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình. Các nghệ nhân thời xưa đã thể hiện một cách khái quát nhưng rất súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt.
Gần 200 năm trôi qua với nhiều biến thiên thăng trầm, đến nay Cửu đỉnh vẫn được bảo vệ nguyên vẹn hình dáng như ban đầu. Điều đáng quý nữa, di sản này đều là những bản nguyên gốc và duy nhất, từ khi ra đời đến nay chưa từng phải sửa chữa.