Động lực để tăng trưởng kinh tế địa phương
Nâng tầm giá trị nông sản, phù hợp với xu thế thị trường Góp sức phát triển kinh tế địa phương |
Phấn đấu có mạng lưới tăng trưởng đồng đều
Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hơn 7%, thuộc hàng cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", thậm chí có thời điểm "bão tố" ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế.
Dù đạt nhiều kết quả, song Tổng Bí thư cũng chỉ rõ còn tồn tại một số hạn chế và bất cập nghiêm trọng. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền còn quá nhiều quyền lực tập trung ở cấp Trung ương, bộ ngành. Do vậy, ông nhấn mạnh, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, cần coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp.
Khoán tăng trưởng giúp địa phương chủ động, sáng tạo phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của mình |
Đáng chú ý, chính sách khoán tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền... là điểm nhấn quan trọng trong định hướng lần này. Đây là chiến lược mang tính hệ thống, kết hợp giữa phân cấp và trao quyền để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Mỗi địa phương, với đặc thù và lợi thế riêng, khi được khoán mục tiêu tăng trưởng sẽ có động lực và trách nhiệm lớn hơn trong việc tìm kiếm và triển khai các cơ chế, chính sách sáng tạo. Điều này giúp khơi dậy tính chủ động và năng động trong quản lý, phá bỏ những rào cản mang tính hành chính và cơ chế "xin - cho" đã tồn tại lâu dài. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý nhà nước, trong đó các địa phương không chỉ thụ động nhận chỉ tiêu từ Trung ương mà còn đóng vai trò như những “đầu tàu” của nền kinh tế. Mô hình này không chỉ tạo điều kiện để các địa phương tự lực vươn lên mà còn góp phần hình thành một mạng lưới tăng trưởng đồng đều, bền vững trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, đây sẽ là giải pháp tạo đột phá mạnh mẽ để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc khoán tăng trưởng sẽ khiến từng địa phương phải có đột phá trong tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo ra nguồn lực và động viên mọi khả năng, tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội.
"Từ trước tới nay, chúng ta tăng trưởng dưới mức tiềm năng, chủ yếu là do các địa phương chưa tăng trưởng tương xứng, còn trì trệ, thiếu chủ động, thiếu tích cực trong động viên mọi nguồn lực. Chỉ trên cơ sở khoán cả chất lượng và số lượng về mặt tăng trưởng cho từng địa phương thì mới có thể có đạt được mức tăng 8-10% của toàn bộ nền kinh tế quốc dân", ông Thịnh khẳng định.
Địa phương sáng tạo, có trách nhiệm
Đánh giá chính sách khoán là một cách tiếp cận quan trọng có khả năng tạo đột phá để đạt tăng trưởng 2 con số năm 2025, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đây có thể tạo ra một cuộc cách mạng về tăng tưởng, thực chất là sự gia tăng phân cấp và phân quyền mạnh, để tiềm năng được huy động hiệu quả nhất từ cấp địa phương.
Dẫu vậy, ông Lạng cũng nhấn mạnh, để việc khoán đạt hiệu quả tốt, cần có sự thay đổi quan trọng về mô hình tăng trưởng địa phương. Đây vừa là áp lực, vừa là động lực phát triển kinh tế, đòi hỏi các địa phương phải đổi mới cách thức vận hành triệt để, tăng cường nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm mô hình và chính sách, tiến hành quản lý theo mục tiêu, sử dụng chỉ số để đánh giá mức độ thành công, công khai mô hình phát triển.
Để có thể thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng”, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có một số cơ chế, ví dụ như cần đồng thời phải làm rõ sự phân cấp, phân rõ trách nhiệm và những quyền hạn của các địa phương đến đâu hoặc các cơ quan cấp trên cũng phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn từ phía các địa phương đề xuất. Tất cả quá trình này cần phải nhanh, kịp thời, đồng bộ.