Như chiếc lá rơi về nguồn cội
Người Việt bây giờ khác lắm, bạn trẻ thành phố hay trốn Tết đi du lịch nước ngoài. Còn những người lớn tuổi xa quê lại quay quắt để tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Có những người gốc thành thị lại nương mình trong những cảm xúc hoài niệm khác.
Phận tôi, lớn lên bên hồ Bẩy Mẫu, hằng năm Tết đến lại chầu chực xem pháo hoa lúc giao thừa. Tuổi thơ của tôi được nhìn thấy bờ hồ khi chưa kè đá. Bờ của hồ là một con đường mòn, nhỏ, nguyên thủy bằng đất. Ngày tháng chạp xưa, giậu duối gai còn cách hồ không xa, có vườn nhà bà Ba Trác trồng khóm hoa dứa dại thơm ngào ngạt.
Trong tôi, ký ức từng trốn biệt tăm, cùng với cái vòi nước công cộng cuối phố. Máy nước công cộng, từng xếp hàng rồng rắn lên mây, thùng tôn và cả chậu giặt. Cái vòi nước ấy đã trôi vào lãng quên, cùng với bao nhiêu vòi nước công cộng khác trong ngõ hẻm ở cửa ô lân cận. Bây giờ, có con đường nhựa uốn cong hình vành nón với một dãy nhà cao tầng nhìn sang bên hồ. Hiển nhiên cái bờ duối gai cũng biến mất, cùng với quán bia hơi Vân Hồ gần đó.
Quầy mậu dịch quốc doanh bán thực phẩm tem phiếu thuở nào, nay đã là một siêu thị lớn. Ký ức theo thời gian cứ nhạt nhòa dần trong trí nhớ con người, có chăng nỗi nhớ dội lên trong tim người Việt khi đón Tết, hoặc những người con xa xứ tít trời Tây… Chị Thêm sống cùng ngõ với tôi di cư sang nước Anh, nhắn tin đang thèm quả chuối tiêu trứng quốc chấm với cốm đầu nia làng Vòng. Còn thèm cả mấy quả trám đen nhồi ốc đá thuôn hành răm. Thèm nắng tới nỗi cứ về Việt Nam, đi phơi nắng cả tháng trời ở biển Phú Quốc, đi chợ quê, mặc cả từng hào lẻ, khoái chí mua rẻ từng đồng bạc…
Lại có một người Việt sang sống với con gái ở Hungari, nhiều năm chỉ thèm bát canh cua nấu khoai sọ, với ngọn rau muống luộc sơ, láng qua tý ớt chỉ thiên cay xé lưỡi. Bên đó đào đâu ra bóng dáng con cua đồng. Rồi đứng ngồi thèm vị của bún riêu cua, vị dấm bỗng nếp cái hoa vàng nấu với nước ốc để nguội. Chỉ nhớ thôi đã hít hà. Nhiều người Việt đã dành dụm những đồng tiền cuối cùng để về Việt Nam, chờ Tết mới về nước, bay 9 tiếng đồng hồ để được ăn bún riêu, bún thang hương vị quê nhà.
Ở châu Âu, riêng chợ của người Việt cũng có đủ thứ vị quê, từ củ gừng đến lá hẹ, nhưng đắt lắm. Và ở xứ người không phải ai cũng có điều kiện để ăn món ngon nước Việt. Quà quê bình dị thấm đến tận xương tủy người tha hương. Những chiếc vé máy bay đặt từ mùa hè qua mùa đông để về Hà Nội ăn Tết. Khi đi phải gói cả bánh đa nem, hạt tiêu Phú Quốc mang đi. Cháu Thùy Trang cạnh nhà tôi, sang Nhật sinh sống, Tết về chỉ mong chiều 30 Tết đi ra ga Hàng Cỏ xem người ta về quê trên chuyến tàu cuối cùng.
Quê Trang ở ngay làng Kim Liên. Tết nhất ít đi đâu xa, vì quê bên nội ngoại đều ở quanh làng. Làng có những tay kéo vàng là thợ cắt tóc, có người phải gọi điện thoại, xếp hàng chờ đến lượt để cắt tóc gội đầu, hay sơn sửa móng tay, móng chân. Làng Kim Liên vẫn giữ được nghề này. Khi sang Nhật theo chồng, Trang về làng Láng học cách gieo trồng các cây rau gia vị Hà Nội, từ hạt húng quế, tía tô, thì là, hạt mùi ta. Sống ở miền Nam nước Nhật mà chỉ về Hà Nội ăn bát bún thang học cách trồng rau thơm Hà Nội. Ở Nhật cách đây ít năm, người ta bán với giá 3.000 đồng một lá rau tía tô. Thùy Trang đã trồng cả vườn rau gia vị, học cách chăm bón tưới tắm trên đất Nhật. Giờ thì cô đã có nhà cửa, nuôi con ăn học bằng vườn rau kia. Cô cũng học cắt tóc, dạy con trai cắt tóc khi đi học xa nhà. Sang Ấn Độ, con trai cô đã làm nghề cắt tóc vỉa hè kiếm tiền tự trang trải nuôi thân.
Đất nước vươn mình đổi thay. Hà Nội tất nhiên cũng nhiều thay đổi. Có những thứ bên này sông Hồng đã mất đi những dấu vết lịch sử, chỉ còn trong ký ức người Hà Nội cũ, như Nhà máy Diêm (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ), nay là tòa tháp Wincom Center Bà Triệu cao đẹp. Trong ký ức về Hà Nội cũ, có những thứ nay vẫn còn nhưng hồn cốt của nó thì đã nhiều đổi khác. Hà Nội của 4 phương trời đang dồn chật lại trên những ngôi nhà cao chọc trời, nhưng vẫn còn một Hà Nội trong các con ngõ nhỏ, nếp nhà xưa vẫn giữ gìn phong vị.
Cho dù bạn có sống ở bên hồ Bảy Mẫu như tôi, hay trên cao nguyên đá Hà Giang, hay trên nẻo Tam Đường Lai Châu thì hương vị Tết vẫn ở gần ngay trong hơi thở, ngay khuy áo ngực, theo những cách riêng của mình. Dù bạn ở đâu thì Tết vẫn dâng trong mình một cảm xúc kết nối nguồn cội, giao hòa tâm linh. Và một cách giản đơn để được sống trong không khí nguồn cội là tìm một quán cóc nơi ga Hàng cỏ, bên chén trà ấm nóng ngắm người người đèo bòng, hối hả về quê, về nơi chôn rau, như tìm về nguồn cội.