Vững bước hướng tương lai
Bắt đầu từ năm 2025, sẽ là kỷ nguyên vươn mình của một dân tộc anh hùng, một dân tộc văn hiến, một dân tộc nhân hòa. Đấy là kỷ nguyên mà đất nước Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trên cơ sở những thành tựu tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN 4.0 nhằm phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các lĩnh vực. Kỷ nguyên mới sẽ đưa đất nước, con người, xã hội Việt Nam phát triển lên một tầm vóc, trình độ mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tổ quốc hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; góp phần xứng đáng vào sự phát triển hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Đất nước của Hùng Vương sẽ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như khát vọng của Bác Hồ, sẽ là nơi đáng sống khi mỗi người dân Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau. Bằng sức mạnh dân tộc quyện hòa với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ là nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao.
Xuân mới, người ta không quên chuyện cũ. Giữa mùa thu năm 2024, siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc nước ta khi đã tàn phá nặng nề Philippines và Trung Quốc. Người Philippines gọi nó là “Bão nhiệt đới dữ dội Enteng” (Severe Tropical Storm Enteng). Đây là xoáy bão nhiệt đới thứ 11 của mùa bão tây bắc Thái Bình Dương trong năm qua. Ở nước ta, bão gây ra một đợt mưa lớn kỷ lục, tạo nên trận lũ lụt lớn nhất trong 3 thập kỷ qua. Thực sự đó là một thảm họa đối với nhiều tỉnh ở miền bắc Việt Nam.
Cũng như bao lần trước đây, lần này nhân dân miền Nam, miền Trung lại dồn tình cảm và của cải cứu trợ ủng hộ miền Bắc. Chuyện cũ, nhớ lại vẫn còn rưng rưng xúc động. Cái tình nghĩa “lá lành đùm lá rách” ấy nói bao nhiêu cũng không cạn. Người Việt vốn duy tình, vâng đúng thế, nhưng những gì đồng bào dành cho nhau khi ai đó gặp hoạn nạn thì thật sâu sắc và bền bỉ.
Có từ nguồn cội xa xưa, khi bắt nhịp vào cuộc sống hiện đại thì nó vẫn cứ giữ nguyên vẹn cái cốt lõi căn tính dân tộc Việt “thương người như thể thương thân”. Cứ nghĩ tới việc thiện lành ấy mà ấm lòng, mà dịu vơi đi bao nỗi xót xa và niềm tin vào sự tốt đẹp của con người được bồi đắp thêm. Không ai có thể ăn ngon ngủ yên, vui đùa vô tư khi nghĩ tới đồng bào ta ở vùng bão lũ bị trôi nhà trôi của, bị lũ quét vùi lấp, bị sập cầu, tắc đường, bị đứt bữa đói khát, bị bệnh tật hành hạ... Thế là, những đội quân tình nguyện cứu giúp đồng bào vùng bão lũ lên đường. Xuyên ngày xuyên đêm, đội mưa rẽ gió, không quản mệt nhọc, nguy hiểm để đến sớm nhất với đồng bào bị hoạn nạn.
Có thể ví đó là cuộc hành quân thời bình, là sự chuyển động tuyệt đẹp của tình yêu thương, chia sẻ. Mỗi đồng tiền hay của cải ủng hộ, ít hay nhiều đều mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Người cho và người nhận đều chung một hạnh phúc được sống trong một đất nước giàu tình thương. Giàu yêu thương cũng có nghĩa là tử tế. Như lời Phật khuyên: yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Yêu thương và biết ơn, đấy chính là một phần tính cách Việt; nó có từ bao đời nay và sẽ tỏa sáng mãi mãi, tôi chưa bao giờ không tin điều đó.
Cũng rất cần thời gian để chữa lành những vết thương do thiên tai tạo nên cho con người. Nhưng chúng ta không thể không thừa nhận rằng, vết thương ấy sẽ rất khó lành khi tình người bị cằn cỗi. Đến Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai hôm nay chúng ta sẽ gặp được câu trả lời thuyết phục nhất cho điều này. Làng Nủ. Cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2024. Nhắc lại còn đau lòng. Bàng hoàng khi nghe tin làng Nủ vốn tươi đẹp và bình yên xưa nay bỗng nhiên bị trận lũ quét kinh hoàng vùi lấp sau cơn bão Yagi.
Một buổi sáng đau thương như là số phận nghiệt ngã đánh úp một làng quê hiền hòa. Càng minh chứng về sự vô thường của kiếp người vậy. Nhưng chẳng vì thế mà ta quên đi sự kỳ diệu do chính con người mang lại cho con người trong cuộc sống này. Lại xin được lấy làng Nủ để chứng minh. Chỉ sau 2 giờ vận động, nhân dân đã cho mượn hơn 1000 mét vuông đất để chỉ sau 1 tuần làm xong 23 căn nhà tạm cư cho những người dân làng Nủ sống sót sau lũ quét. Và, cũng chỉ trong 2 ngày đã giải phóng mặt bằng cho hơn 10 ha đất để xây dựng 40 căn nhà kiên cố cho các gia đình làng Nủ với mốc thời gian bàn giao là ngày 31/1/2024.
Tôi đã có niềm vui nghẹn ngào khi xem bức ảnh về ngôi nhà đầu tiên ở làng Nủ được xây xong. Vững chãi. Khang trang. Thanh thoát. Đẹp đẽ. Những ngôi nhà mới ấy sẽ góp phần chữa lành vết thương làng Nủ. Bởi nó được dựng nên bằng tình thương, bằng sự đóng góp của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Thương đồng bào làng Nủ bao nhiêu thì cũng thương các chiến sĩ bấy nhiêu khi họ dầm mình trong lấm láp lầy thụt bùn đất chịu mưa nắng thất thường và những hiểm nguy rình rập để tìm thi thể người dân bị vùi lấp. Cũng chính bàn tay người lính đã trực tiếp thi công thần tốc những ngôi nhà mới cho người dân làng Nủ.
Làng Nủ xứng đáng là một biểu tượng về sự đùm bọc, chia sẻ trong hoạn nạn của dân tộc Việt Nam hôm nay. Tết này, người dân làng Nủ đã có những ngôi nhà mới, họ sẽ thắp lên trong đó những nén hương thơm mời tổ tiên ông bà và những người thân đã khuất về đón xuân. Mùa xuân tràn ngập yêu thương, dù hoa đào hoa mận chưa trổ sắc tỏa hương trong ngôi làng mới của họ.
Giã từ năm cũ với những xôn xao chưa nói hết ta bước vào mùa xuân mới cùng bao ân tình, niềm tin và hy vọng. Có những cái cũ vẫn còn nguyên giá trị góp cho cuộc sống hôm nay năng lượng mới. Ta phải biết trân trọng, nâng niu và phát huy. Và những cái mới truyền cho chúng ta cảm hứng tích cực trong tư duy và hành động. Thời nào cũng vậy thôi, đất nước vẫn cần có nhiều hiền tài làm nguyên khí và lòng dân được quy tụ để tạo nên nền tảng vững bền. Đấy cũng là nhân nghĩa. Muôn đời “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” như Ức Trai Nguyễn Trãi từng đúc kết. Đó là lịch sử, cũng là hiện tại và tương lai. Việt Nam đã tỏa sáng, đang tỏa sáng và mãi mãi tỏa sáng khi nhân nghĩa được đề cao.