Đà Nẵng: Tín dụng chính sách giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo
Những năm qua, Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cả về chính sách và nguồn lực, cùng với sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” được xây dựng và triển khai thực hiện, đến nay mang lại nhiều giá trị nhân văn và tạo thương hiệu riêng cho Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống”.
Ảnh minh họa. |
Đà Nẵng xác định, một trong các giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu trên là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Thực tế những năm qua cho thấy, từ nguồn tín dụng chính sách, hàng chục ngàn lượt hộ vay vốn trên địa bàn từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Trong căn hộ mơ ước tại Khu chung cư Phong Bắc (Cẩm Lệ) của Lê Thị Mai, công tác tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tỏ ra rất hạnh phúc. Lê Thị Mai chia sẻ, cách đây 4 năm đã vay vốn để mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn của NHCSXH. Chấm dứt một thời gian dài ở trọ trong các căn phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp. Chương trình vay vốn đã giúp tôi an cư lạc nghiệp, một khát vọng của không biết bao nhiêu người có cùng cảnh ngộ...
Hay như trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lai, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, nguồn tín dụng học sinh, sinh viên đã giúp gia đình nuôi 5 đứa con ăn học thành tài (đều tốt nghiệp đại học). Bà Lai chia sẻ, nhờ vay vốn NHCSXH đến nay, cả 5 cháu đều ra trường, có công việc ổn định và đã phụ giúp trả nợ hoàn tất cho NHCSXH…
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH, chi nhánh thực hiện phương thức cho vay trực tiếp hoặc ủy thác cho một số tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, từ đó giúp cho việc quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách công khai hóa, dân chủ hoá, xã hội hoá, giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, nhanh chóng.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 3.653 tỷ đồng với 77.886 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,24% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Ngoài việc cho vay qua các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH còn cho vay trực tiếp một số các chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cho vay DNNVV, cho vay cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn, cho vay học sinh, sinh viên mồ côi. Tổng dư nợ cho vay trực tiếp đến nay khoảng 104 tỷ đồng, với 1.343 khách hàng còn dư nợ.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban đại diện NHCSXH Đà Nẵng cho biết, tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 1.603 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ các chương trình tín dụng của NHCSXH thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Đến nay, toàn thành phố có 422.602 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 9.801 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 6.151 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 19,4%. Hiện còn 88.177 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ vốn vay; dư nợ bình quân 42,6 triệu đồng/khách hàng.
Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách chủ yếu như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 68%; cho vay nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng 12%; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 8%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chiếm tỷ trọng 4%… Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, tín dụng chính sách tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã góp phần cùng thành phố hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hàng năm; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Từ đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...