Đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật
Pháp luật đã quy định tương đối rõ ràng về quyền của bên nhận bảo đảm nói chung cũng như của TCTD nói riêng trong việc xử lý TSBĐ. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động xử lý TSBĐ của TCTD có rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, không chỉ vì các quy định liên quan chưa đồng bộ, mà còn từ cách nhìn nhận, định kiến của dư luận, xã hội.
Xử lý TSĐB rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng |
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012): “Khi thực hiện việc thu giữ TSBĐ, người xử lý tài sản có trách nhiệm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ”. Áp dụng quy định này trong thực tiễn xử lý TSBĐ không đơn giản khi mà phạm trù “trái đạo đức xã hội” quá rộng, với muôn hình, muôn vẻ.
Xử lý TSBĐ của TCTD cho thấy các NH gặp nhiều vướng mắc về thủ tục xử lý TSBĐ, nhất là khi gặp những trường hợp “đặc thù” như TSBĐ là nơi ở duy nhất mà bên bảo đảm đang sinh sống. Đặc biệt, trong trường hợp bên bảo đảm có hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo hoặc đối tượng chính sách… thì khi TCTD đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ trong việc thu giữ, xử lý TSBĐ thường không nhận được sự ủng hộ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng trong trường hợp này, TCTD không có quyền thu giữ TSBĐ để xử lý.
Một trường hợp khác: Xử lý TSBĐ khi khách hàng doanh nghiệp nợ lương công nhân. Việc doanh nghiệp nợ lương công nhân đâu phải lỗi của NH. Nhưng khi NH áp dụng biện pháp thu giữ, xử lý TSBĐ (khi hai bên đã thỏa thuận bán TSBĐ để xử lý nợ) gặp rất nhiều khó khăn do gặp phải sự cản trở, phản đối từ công nhân. Việc đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp trong trường hợp này là rất khó vì liên quan đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội, không thể thực hiện cưỡng chế. Do đó nhiều trường hợp TCTD không thể bàn giao tài sản cho bên mua theo đúng cam kết trong hợp đồng mua bán TSBĐ.
Cũng về xử lý TSBĐ của khách hàng là DN, không ít lần TCTD gặp phải trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật (do người đại diện theo pháp luật phải chấp hành hình phạt tù; do tranh chấp trong nội bộ công ty; chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ về nước… khiến công ty chưa có người đại diện theo pháp luật mới) dẫn đến việc TCTD không thể xử lý TSBĐ. Hay khi TCTD khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu xử lý TSBĐ cũng không thực hiện được do việc thụ lý tại Tòa án gặp khó khăn vì doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật để tham gia tố tụng…
Thực tế cho thấy trong quá trình xử lý TSBĐ của TCTD gặp không ít trường hợp đặc biệt, những tình huống khó xử, và dù được pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ, và các TCTD luôn tuân thủ quy định không được áp dụng các biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách công bằng, khách quan, ngoài quy định này hiện pháp luật không có quy định ngoại lệ nào về việc thu giữ, xử lý TSBĐ đối với các trường hợp “đặc biệt” như đã nêu ở trên. Vì vậy, việc thu giữ và xử lý TSBĐ đối với các đối tượng này cũng cần phải được thực hiện tương tự như các trường hợp khác. Việc này trước hết cần sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan chức năng. Song trên thực tế TCTD rất khó có được sự phối hợp này.
Do đó, văn bản thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về tính chất “bắt buộc”, cách thức tham gia của UBND cấp xã và cơ quan Công an trong trường hợp TCTD thu giữ TSBĐ và bên bảo đảm có hành vi chống đối, tránh tình trạng TCTD có văn bản đề nghị nhưng cơ quan chức năng từ chối không tham gia hoặc chỉ đóng vai trò chứng kiến như hiện nay. Cần phổ biến, đào tạo và nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới (đặc biệt là cấp xã) đối với kiến thức pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng như về quyền xử lý TSBĐ của các TCTD.
Cùng với đó cũng cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động xử lý TSBĐ của TCTD, ngăn chặn ngay các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn trong quá trình xử lý hoặc có sai phạm trong việc tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, cần nghiêm túc thực hiện cơ chế bồi thường Nhà nước đối với các thiệt hại trong quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD mà nguyên nhân thiệt hại là do việc không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định pháp luật của cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước. Vì như vậy mới đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.