Đánh giá khách hàng vay tại các công ty P2P lending
Thực trạng
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra nhiều sự thay đổi cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cùng với sự chuyển đổi sang nền kinh tế số, thành tựu của CMCN 4.0 đã thúc đẩy rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending). P2P lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế - xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.
P2P lending - kênh cung ứng vốn mới trên thị trường, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện |
Thực tế, do không phải chịu trách nhiệm chính nếu rủi ro xảy ra, nên công tác quản trị rủi ro tại một số công ty P2P chưa thực sự được chú trọng, hệ thống đánh giá khách hàng chưa được đầu tư tương xứng, dẫn tới hàng loạt các vấn đề xảy ra như nợ xấu, lừa đảo, tín dụng đen… ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dùng và niềm tin của xã hội đối với mô hình này.
Hệ thống đánh giá khách hàng tại các công ty P2P lending bao gồm hệ thống nhận biết khách hàng và hệ thống chấm điểm tín dụng.
Hệ thống nhận biết khách hàng (KYC): Theo kết quả khảo sát từ NHNN đối với các công ty P2P tại Việt Nam: đa số các công ty đã áp dụng công nghệ nhận dạng hiện đại, định danh khách hàng điện tử (eKYC), chỉ có một số ít công ty đánh giá thủ công bằng cách gặp mặt khách hàng trực tiếp để xác minh khách hàng. Các công ty sử dụng công nghệ như: nhận dạng khuôn mặt, so sánh với ảnh tại chứng minh thư, một số công ty hiện đại hơn có so sánh sinh trắc học như vân tay…Thiết bị eKYC sẽ bóc tách các dữ liệu tại hình ảnh chứng minh thư nhân dân, so sánh với dữ liệu người dùng nhập vào hệ thống để đối chiếu, so sánh.
Hệ thống chấm điểm tín dụng (Credit scoring): dùng để phục vụ cho việc xác định rủi ro tín dụng của một khách hàng vay. Mô hình chấm điểm được xây dựng từ các dữ liệu được thu thập và cập nhật liên tục để phản ánh tình trạng của khách hàng. Hầu hết các nền tảng P2P lending đều tự xây dựng một hệ thống chấm điểm tín dụng riêng và sử dụng các nguồn dữ liệu như: dữ liệu cá nhân người dùng khai báo, dữ liệu mạng xã hội, dữ liệu viễn thông, dữ liệu lịch sử tín dụng tự xây dựng….
Các công ty P2P lending thu thập thông tin để đánh giá khách hàng qua các nguồn: thu thập trực tiếp từ khách hàng, hành vi trực tuyến của khách hàng, thiết bị cá nhân, các đơn vị chuyên khai thác dữ liệu và các nguồn dữ liệu công. Thông tin này thu thập được trong quá trình xác minh khách hàng, do khách hàng tự khai báo. Việc xác minh có thể qua phỏng vấn trực tiếp hoặc tìm hiểu thông tin từ các nguồn liên quan đến người dùng. Các thông tin này bao gồm: Thông tin định danh (tên, ngày sinh, địa chỉ, điện thoại); thông tin về nghề nghiệp (nơi làm việc, thu nhập; có thể thêm các thông tin như: tình trạng sở hữu nhà, tình trạng hôn nhân… Một số công ty có bước đối chiếu chéo các thông tin người dùng cung cấp với các nguồn thông tin khác để kiểm tra tính trung thực của dữ liệu khai báo.
Đặc biệt, thông tin về lịch sử tín dụng của khách hàng tại các TCTD, bao gồm các thông tin về số tiền nợ, số tổ chức tín dụng quan hệ, nhóm nợ, tài sản đảm bảo… là những thông tin rất hữu ích trong quá trình đánh giá khách hàng tại các công ty P2P lending. Bản thân các công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P lending cũng tự xây dựng kho dữ liệu tín dụng khách hàng riêng thông qua lịch sử cho vay của mình, hoặc tham khảo các công ty trong ngành. Tuy nhiên các thông tin dạng này thường rất ít, đặc biệt là đối với các công ty mới hoạt động.
Ngoài ra, các công ty P2P còn sử dụng dữ liệu mạng xã hội; dữ liệu viễn thông; các nguồn dữ liệu khác như từ các công ty bán lẻ, doanh nghiệp thương mại điện tử, công ty giao vận… Các nguồn dữ liệu này thể hiện thói quen mua sắm, số tiền khách hàng chi tiêu, địa chỉ giao hàng, thói quen thanh toán, số lần không nhận hàng... thu thập và xử lý nguồn thông tin để có lợi thế trong việc tiếp cận nhóm khách hàng một cách nhanh chóng nhất
Những tồn tại và các giải pháp
Do các công ty P2P lending chỉ đóng vai trò môi giới, trung gian kết nối giữa người cho vay và người đi vay nên khi có tranh chấp xảy ra, cũng chỉ là tranh chấp liên quan giữa bên vay và cho vay còn công ty P2P lending không trực tiếp liên quan, không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp này. Cho nên, công ty P2P lending không có trách nhiệm hoặc không làm tròn trách nhiệm trong việc thẩm định khách hàng, không có cơ chế phòng ngừa rủi ro, không có biện pháp bảo vệ tiền vay và khi không tự đòi được các khoản đầu tư, người cho vay có thể mất trắng tiền và không thể đòi trách nhiệm bồi thường từ các công ty cung ứng dịch vụ P2P lending.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin từ CIC là nguồn thông tin tin cậy, có giá trị cao trong việc đánh giá khách hàng, giúp các công ty P2P lending có thể chọn lọc khách hàng tốt, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý, hiện tại tất cả các công ty P2P lending chưa được phép tiếp cận nguồn thông tin này trong quá trình đánh giá khách hàng.
Ngoài các loại hình dữ liệu truyền thống về khách hàng, một số công ty đã thu thập dữ liệu thay thế như: điểm số đại học, cao đẳng, quá trình sử dụng mạng xã hội, hành vi mua hàng trực tuyến, dữ liệu từ công ty viễn thông… của khách hàng. Xu hướng sử dụng dữ liệu thay thế bên cạnh việc sử dụng dữ liệu truyền thống trong việc đánh giá khách hàng đang là xu hướng tất yếu, giúp việc đánh giá khách hàng được chính xác hơn, không bỏ lỡ khách hàng tốt, nâng cao khả năng quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu, nguồn cung cấp uy tín, cách thức sử dụng dữ liệu… cũng là vấn đề các công ty cần chú trọng.
Ngoài ra, thủ tục xác thực KYC tại các công ty P2P lending được thực hiện tự động dựa vào việc chụp ảnh và nhận diện chứng minh thư/thẻ căn cước công dân đối chiếu với khuôn mặt của khách hàng khi đăng ký khoản vay. Thủ tục KYC này phát sinh rủi ro trong trường hợp khách hàng cố tình lừa đảo, thay ảnh trên chứng minh thư. Theo báo cáo và xác nhận của các công ty P2P lending được khảo sát, nếu xảy ra các trường hợp cố tình lừa đảo, các công ty đều không có khả năng phát hiện ra.
Trước thực tế này, thời gian qua đã có một số công ty P2P lending đã ý thức trong việc quản trị rủi ro và đến đặt vấn đề tham gia hệ thống TTTD CIC của NHNN, tuy nhiên, do vướng mắc về mặt pháp lý, các công ty này vẫn chưa được phép tham gia hệ thống CIC. Đây cũng là một khó khăn rất lớn của các công ty P2P và các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động. Chính phủ, NHNN cần sớm ban hành khung pháp lý để đảm bảo hoạt động P2P lending được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực, biến tướng của mô hình này, tạo điều kiện để các công ty tham gia hệ thống TTTD của NHNN hoặc đơn vị tương đương.
Bên cạnh đó, mặc dù e-KYC hiện đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới nhưng lại rất hạn chế ở Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định về eKYC để tạo điều kiện phát triển eKYC phát triển, yêu cầu 100% các công ty P2P phải sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại để định danh khách hàng điện tử, đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được phép truy cập dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia (Bộ Công an, Bộ Tư pháp) để có thêm nguồn thông tin thẩm định khách hàng.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các bên tham gia P2P lending, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc chọn sàn giao dịch, các sàn phải đảm bảo được các yếu tố như có giải pháp thẩm định người vay là cá nhân hay doanh nghiệp chặt chẽ, quản trị rủi ro tốt, có các giải pháp hỗ trợ nhà đầu thu hồi vốn gốc và lãi, còn với bên đi vay phải hiểu rõ về các chi phí phát sinh khi đi huy động vốn trên sàn, nên lựa chọn các sàn công bố lãi suất và phí rõ ràng, minh bạch.