Đâu là kênh “hút” dòng tiền đầu tư nửa cuối năm 2024?
Quản lý tài sản ra sao khi các kênh đầu tư biến động? Doanh nghiệp niêm yết cần chuẩn bị gì khi thị trường nâng hạng? |
Với những tín hiệu kinh tế tích cực đầu năm nay, theo bà mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2024 có phải khá thách thức và cần có động lực thúc đẩy hơn nữa?
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06% và Việt Nam còn dư địa để tăng đầu tư công khi quy mô nợ công cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, còn cách xa mức trần 60% GDP mà Quốc hội đã đề ra.
Do đó, cần tập trung vào các chính sách tài khóa để thúc đẩy tổng cầu. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm như Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Đường vành đai 3 và vành đai 4, Sân bay Long Thành… Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, mà còn giúp nền kinh tế phát triển bền vững trong dài hạn.
Tiếp theo là các giải pháp để kích cầu nội địa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng. Chính sách cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến cuối năm 2024 được các chuyên gia đánh giá cao trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, việc gia tăng chi tiêu tài khóa sẽ là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của Chính phủ, quy mô các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 là 98 nghìn tỷ đồng, trong đó giảm 2% VAT là 24 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng sẽ được thúc đẩy trong nửa cuối năm 2024.
Lĩnh vực bất động sản nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, hàng nghìn dự án cần được tháo gỡ pháp lý liên quan đến phương pháp định giá đất, quy hoạch và cấp thẩm quyền phê duyệt dự án… Vì vậy, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được thi hành sớm sẽ giúp đồng bộ hành lang pháp lý và là cú hích cho sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Qua đó, cũng giúp giải tỏa được áp lực nợ xấu cho lĩnh vực ngân hàng khi bất động sản chiếm tới 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trong quý I/2024 và áp lực trả nợ trong 6 tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025 rất lớn khi chiếm khoảng 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong thời gian này.
Vậy theo bà, liệu sẽ có một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay?
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng đã có nhịp phục hồi tích cực từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, hiện VNIndex đang giao dịch ở mức định giá P/E quanh 14x, thấp hơn so với mức trung bình 10 năm là 15x, cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng. Thống kê theo nhóm ngành, có thể thấy lĩnh vực bất động sản và ngân hàng hiện đang có mức định giá P/E và P/B thấp hơn trung bình 5 năm gần đây trong khi các nhóm ngành khác đều có mức định giá tương đương hoặc đã cao hơn mức bình quân, phần nào phản ánh những rủi ro hiện tại của hai nhóm ngành này.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng kỷ lục có lẽ là điều mà nhà đầu tư quan ngại nhiều nhất trong giai đoạn hiện tại. Khối này đã bán ròng liên tục trong 5 quý gần đây và đạt giá trị bán ròng kỷ lục trong quý II/2024 với hơn 30 nghìn tỷ đồng. Điều này có thể lý giải bằng việc chênh lệch lãi suất đã khiến dòng vốn đầu tư rút khỏi các thị trường Châu Á và mới nổi, trong đó có Việt Nam, để đổ về Mỹ. Điểm tích cực là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đã hấp thụ hết lượng bán ròng của khối ngoại.
Với sự phục hồi của nền kinh tế, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024. Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE tăng trưởng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm tăng 15% chủ yếu nhờ lợi nhuận của ngân hàng duy trì đà tăng và sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản trong nửa cuối năm.
Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024 |
Vậy, đâu sẽ là lĩnh vực tiềm năng hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán thời gian tới, thưa bà?
Chúng tôi kỳ vọng một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam, với động lực chính từ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. VNIndex hướng tới ngưỡng 1.390 điểm trong nửa cuối năm 2024 với giả định P/E mục tiêu ở mức 14x (tương đương với mức hiện tại) và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ở mức 15% cho cả năm 2024. Vì vậy, khi thị trường điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Dự báo các nhóm ngành hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu bước vào mùa cao điểm như bất động sản khu công nghiệp, logistics, bán lẻ, thép… sẽ là những nhóm ngành tăng trưởng tích cực và thu hút dòng tiền.
Dưới góc độ định giá, chúng tôi nhận thấy ngân hàng và bất động sản đang ở vùng định giá hấp dẫn, do đó, kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm quay lại khi có cú huých từ vấn đề pháp lý cho lĩnh vực bất động sản, đây sẽ là tín hiệu sớm cho sự phục hồi và giải tỏa áp lực nợ xấu cho ngân hàng, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại.
Dài hơi hơn, đón đầu cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi, nhóm cổ phiếu có vốn hóa tự do chuyển nhượng lớn, đáp ứng điều kiện để lọt vào rổ chỉ số thị trường mới nổi sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có lợi thế môi giới khách hàng nước ngoài, cũng sẽ là nhóm hưởng lợi từ tiến trình nâng hạng khi giá trị giao dịch bùng nổ.
Lãi suất tiền gửi tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, ở kỳ hạn 12 tháng là dưới 6% đối với NHTM cổ phần và giữ nguyên mức 4,7% đối với NHTM quốc doanh, vẫn kém hấp dẫn hơn so với tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VNIndex, do đó, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh thu hút vốn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu các vấn đề pháp lý của bất động sản được tháo gỡ, tín dụng được khơi thông, thị trường bất động sản cũng có thể sẽ bắt đầu thu hút vốn nhà đầu tư trở lại trong giai đoạn cuối 2024 khi có nhiều dự án được mở bán hơn.
Xin cảm ơn bà!