Đầu tư năng lượng tái tạo: Nhiều kỳ vọng nhưng cũng chưa hoàn toàn yên tâm
Tận dụng nguồn năng lượng tái tạo: Cần tăng đầu tư truyền tải điện | |
BCG: Triển vọng từ bất động sản và năng lượng tái tạo |
Hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời |
Chính sách vướng, thủ tục rườm rà
Nhóm công tác điện và năng lượng, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) đánh giá, điện mặt trời và điện gió có nhiều lợi thế hơn các nguồn năng lượng khác ở chỗ không phát thải chất gây ô nhiễm, thời gian lắp đặt nhanh chóng và thu hút sự quan tâm cao từ khu vực tư nhân và DN FDI. Các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) cũng giúp Việt Nam đạt và vượt chỉ tiêu giảm phát thải quốc gia. Dó đó, nguồn điện này dễ dàng huy động vốn trong nước cho các công trình dịch vụ tiện ích quy mô nhỏ trên đất và nước, lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà nối lưới… cũng như huy động vốn nước ngoài cho các dự án lớn.
Tuy nhiên việc giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than và mở rộng các nguồn NLTT vẫn đang đòi hỏi môi trường pháp lý phải tiếp tục khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, cũng như cần có các quy định pháp lý khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nâng cấp và mở rộng lưới điện.
Mối lo ngại lớn nhất và đang kéo dài của giới đầu tư chính là giá bán điện. Tính đến thời điểm hiện tại, họ đã phải chờ đợi gần 7 tháng, từ ngày 30/6/2019 khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực, mà vẫn chưa nhận được biểu giá điện mặt trời mới. Vì vậy, các NĐT đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện khuyến khích điện mặt trời để các NĐT trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án NLTT chỉ mất thời gian 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải… thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm. Nếu vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, thời gian có thể kéo dài thêm 1 - 2 năm nữa. Các thủ tục rườm rà không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn khiến NĐT nản lòng.
Tiêu chuẩn hoá để đón vốn quốc tế
Theo nhóm công tác của VBF, việc huy động vốn đầu tư cho NLTT cần được tiến hành song song để thu hút được cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Theo đó, NĐT tư nhân trong nước có thể phát triển các dự án NLTT nhỏ như điện mặt trời mái nhà, pin lưu trữ, điện mặt trời nổi, điện sinh khối; còn các NĐT nước ngoài có thể tham gia vào các dự án ở quy mô lớn như điện gió ngoài khơi và trên bờ…
Như vậy, việc tháo gỡ khó khăn chính sách cũng cần được tiến hành song song theo hướng đơn giản hoá thủ tục đối với các dự án nhỏ; đồng thời tiêu chuẩn hoá các văn bản pháp lý có liên quan, như hợp đồng mua bán điện trực tiếp và hợp đồng mua bán điện, để trở thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cho vay vốn quốc tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực ASEAN.
Trước hết, cần xây dựng Hợp đồng mua bán điện với các dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện khí có khả năng được cấp vốn quốc tế bằng cách thiết lập trước biểu giá bán điện và tháo gỡ các quy định chưa hợp lý. Nhóm Công tác của VBF kêu gọi minh bạch hoá các thay đổi về biểu giá điện và khuyến khích thảo luận về cách điều chỉnh quá trình duyệt quy hoạch tổng thể.
Cùng với đó, xây dựng môi trường pháp lý và hỗ trợ thu hút đầu tư sản xuất năng lượng sạch không nối lưới quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn, nâng ngưỡng miễn Giấy phép điện lực từ 1 MW lên 3 MW đối với dự án điện mặt trời mái nhà để tăng sức hấp dẫn của hình thức này. Bên cạnh đó, sửa đổi quy định để cho phép các hợp đồng mua điện trực tiếp tại chỗ giữa chủ sở hữu hệ thống điện mặt trời và các cơ sở sử dụng điện, mà không phải thông qua đơn vị truyền tải.
Tương tự như vậy, đối với các nhà máy năng lượng sạch không hoà lưới điện EVN, đề xuất được miễn yêu cầu phải có giấy phép hoạt động điện lực nếu công suất chưa vượt quá 30 MW. Đồng thời các dự án với công suất này cũng không bắt buộc phải xin phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Vấn đề khác đang khiến các NĐT băn khoăn chính là tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT và khí thiên nhiên trong lưới điện tăng đã gây ra một số thách thức liên quan đến việc hoà lưới các nhà máy điện. Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho biết, sự “bùng nổ” của các dự án điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được khiến nhiều nhà máy phải giảm phát từ 10 đến trên 50%. Vì vậy ông khuyến nghị cần hoàn thiện hệ thống truyền tải của lưới điện quốc gia đáp ứng được nhu cầu giải toả công suất các dự án điện mặt trời đang triển khai đầu tư khi vận hành hoà lưới.
Đánh giá sự cần thiết phát triển các nguồn NLTT, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, nguy cơ thiếu điện hiện tại đã tích tụ từ nhiều năm trước. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các dự án nhiệt điện than được phát triển trở lại. Điều đó cho thấy rất cần có tầm nhìn xa trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia.
Vì vậy, các chuyên gia và NĐT cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc của Luật Quy hoạch đối với hoạt động bổ sung quy hoạch các dự án NLTT để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Đây cũng là thời điểm bắt tay vào xây dựng Quy hoạch điện VIII, do đó cần khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng quy hoạch này, với ưu tiên đặc biệt dành cho đầu tư phát triển NLTT và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 9 dự án điện gió với tổng công suất 304,6 MW được đưa vào vận hành; 82 dự án điện mặt trời với công suất 4.464 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Con số này vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020), song cũng kém rất xa so với tiềm năng phát triển các nguồn NLTT của Việt Nam. |