Đẩy mạnh cho vay cá nhân
Tiêu dùng tiếp tục phục hồi tích cực, niềm tin tiêu dùng tăng cao | |
Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ trở lại trong tháng 4 | |
TP. Hồ Chí Minh: 12 TCTD tham gia bình ổn thị trường |
Trong khi các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit… cho vay tiêu dùng trực tiếp tại các điểm bán lẻ thì gần đây các NHTM cho vay tiêu dùng qua hình thức phát hành thẻ và hình thức cho vay thấu chi. Những ngân hàng đẩy mạnh hình thức cho vay qua thẻ đã tiết giảm tối đa chi phí mạng lưới, trong khi lãi suất qua phát hành thẻ của các NHTM lại thấp hơn đáng kể so với lãi vay các công ty tài chính. Nhiều ngân hàng còn miễn phí quản lý đối với các khoản vay trả góp do các nhà cung cấp là đối tác của ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, các NHTM còn có hình thức cho vay thấu chi tín chấp đối với khách hàng có chi trả lương qua ngân hàng và cho vay thấu chi có tài sản đảm bảo bằng ô tô, nhà đất, tài sản… Thông thường giá trị tài sản đảm bảo càng lớn thì tỷ lệ cho vay càng cao, còn đối với những khoản vay thấu chi qua tiền lương thường là món vay tối thiểu bằng hai tháng lương. Theo ông Phát, tỷ lệ khách hàng lựa chọn vay thấu chi qua tài khoản tiền lương chi trả trực tiếp qua ngân hàng luôn cao hơn vay có tài sản đảm bảo, do hình thức này hạn chế thủ tục xét duyệt một món vay.
Hầu hết các khoản vay qua thẻ và vay thấu chi là những khoản vay tiêu dùng ngắn hạn của khách hàng tạm thời thiếu hụt trong chi tiêu hàng ngày nên món vay nhỏ, lãi suất cao hơn các khoản vay thế chấp của NHTM, nhưng lại rất cạnh tranh với các công ty tài chính nên gần đây được người tiêu dùng chuyển sang vay tiêu dùng của các NHTM nhiều hơn. Theo quy định Thông tư 43/2016/TT-NHNN hiện hành, trừ hai khoản vay mua ô tô và cho vay mua sửa chữa nhà, các khoản cho vay tiêu dùng của NHTM không được quá 100 triệu đồng/món.
Món vay nhỏ, thời gian vay ngắn, trong khi lãi suất cao nên vài năm gần đây nhiều NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua hình thức phát hành thẻ và thấu chi như một cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 cho vay tiêu dùng tăng khoảng 65% trong khi năm 2016 tăng 50,2%, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng lần lượt chiếm 18%, 12,3% trên tổng dư nợ tín dụng ngân hàng. Dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay khi nhiều ngân hàng đang theo đuổi mô hình ngân hàng bán lẻ như một giải pháp tăng doanh thu.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng, mảng tín dụng tiêu dùng tại các NHTM có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động nhiều tiềm năng trong năm 2018.
Sự tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong các NHTM còn thể hiện rõ nhất gần đây khi có những ngân hàng thấy được khả năng chi tiêu và thanh toán của khách hàng để sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng tiêu dùng tiền mặt tín chấp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank, bên cạnh việc ứng dụng, phát triển các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, sinh trắc học, tư vấn tự động, chatbot... các ngân hàng có thể quản trị được rủi ro khi cho vay qua thẻ hoặc thấu chi. Ngân hàng cũng có rất nhiều cơ sở dữ liệu để thẩm định khách hàng, như thông tin tín dụng, lịch sử mua hàng, thanh toán hóa đơn, dữ liệu trực tuyến khác…
Hơn nữa, khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng đang ngày một hoàn thiện, trong khi đó ngân hàng cho vay những khách hàng chứng minh được dòng tiền trả nợ thì đã là một điều kiện vô cùng an toàn của khoản vay.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết, với sự phát triển của công nghệ, thông tin của người tiêu dùng có ở khắp mọi nơi và ngân hàng đón đầu cơ hội để thu thập tất cả những thông tin khách hàng và phân tích kỹ những nhu cầu, tình hình tài chính, sở thích cá nhân để ngân hàng liên kết với các đối tác cho vay.