Đẩy mạnh chuyển đổi số: Ngân hàng “biến nguy thành cơ”
Tiêu dùng trực tuyến đã đẩy mạnh thành xu hướng thanh toán không tiền mặt |
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đại dịch COVID-19 càng khẳng định điều này. Trong đại dịch đã có hàng triệu doanh nghiệp phá sản và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực rơi vào khủng hoảng nhưng cũng có nhiều ngành, doanh nghiệp đã sớm bước vào kinh tế số, chuyển đổi số và không chỉ trụ được mà còn vượt lên trong đại dịch.
Trong đó Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu, TS.Võ Trí Thành – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh.
“Ngành ngân hàng đang "biến nguy thành cơ" nhờ chuyển đổi số”, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định tại Hội thảo Quốc gia “Chuyển đổi số ngành ngân hàng trong bối cảnh bất định: Biến nguy thành cơ”. Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VietinBank tổ chức.
Theo lời của GS.Trần Thọ Đạt, năm 2020 những yếu tố bất định như tình hình bão lụt ở miền Trung đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng nhưng ngành ngân hàng đã từng bước vượt qua khó khăn, "biến nguy thành cơ", toàn hệ thống vẫn đảm bảo an toàn và phục vụ nỗ lực cho doanh nghiệp, cho người dân và cho nền kinh tế.
GS.Trần Thọ Đạt dẫn ra số liệu minh chứng: tính đến tháng 11/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 7.26% so với cùng kỳ năm 2019, nợ xấu toàn hệ thống tính đến hết 9/2020 được kiểm soát ở mức 1,77%, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn đạt mức cao.
Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng về chủ đề chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, TS. Võ Trí Thành cho rằng chuyển đổi số đang diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ thay đổi quy trình, sản phẩm ngân hàng, mà còn tăng trải nghiệm của khách hàng.
Theo TS.Võ Trí Thành mua sắm, tiêu dùng trực tuyến đã đẩy mạnh thành xu hướng thanh toán không tiền mặt và đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng, tự do và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, ngân hàng được thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng eKYC. Đây được coi là quy định nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển NH số trong thời gian tới. |
Chuyển đổi số đã gia tăng trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó gia tăng cơ hội tăng trưởng nguồn khách hàng của các ngân hàng thương mại, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
“Hiện nay, khi khách hàng bước chân vào cửa nhiều NH, ngay lập tức sẽ được các thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện khách hàng, hiểu được nhu cầu của khách hàng, từ đó hướng dẫn đến quầy giao dịch phù hợp... Đây là một trải nghiệm rất mới mẻ so với cách thức giao dịch truyền thống”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ.
Không chỉ là thanh toán là mua sắm, với dịch vụ Mobile Banking khách hàng có thể biết được vé máy bay của hãng hàng không này còn bao nhiêu vé trống, biết được rạp chiếu phim còn bao nhiêu vé có thể mua… Việc gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng sẽ thu hút, hấp dẫn khách hàng hơn cũng như giúp giữ chân khách hàng “trung thành” với ngân hàng” – ông Dũng nói.
Các ngân hàng đều coi ngân hàng số là đích đến, là mục tiêu, chiến lược phát triển của ngân hàng mình trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của các công nghệ đột phá, hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
“Khi làm việc với nhiều ngân hàng thương mại đang thực hiện chuyển đổi số chúng tôi thấy có ngân hàng đã số hóa gần 1.000 quy trình nghiệp vụ trong tất cả các khâu hoạt động của ngân hàng. Đây là một tín hiệu rất tích cực”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Theo NHNN, 95% các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã và đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số; 39% tổ chức tín dụng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin; 42% các tổ chức tín dụng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3 - 5 năm tới: 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số; 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%. |
Nhưng quá trình chuyển đổi số còn nhiều khó khăn và thách thức. Đầu tiên là khuôn khổ pháp lý với những vấn đề mới phát sinh như quy định pháp luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, các vấn đề về định danh và xác thực các cơ chế và quy định về chia sẻ dữ liệu…
Thứ hai, yếu tố then chốt trong chuyển đổi số là cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung và có chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cũng như những quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật…Nhưng đến nay hạ tầng đồng bộ và cơ sở dữ liệu vẫn đang là vấn đề, là điểm nghẽn.
Theo các chuyên gia phải có được hệ sinh thái cho chuyển đổi số và chỉ khi nào không còn tình trạnh mỗi nơi một phần mềm, đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và chỉ khi nào không còn tình trạng mỗi nơi một chuẩn kết nối, mỗi ngành một cơ sở dữ liệu và các đơn vị cung ứng dịch vụ không có hệ thống kết nối với ngân hàng, thì chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và trong nền kinh tế mới thành công.