Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các chủ thể OCOP
Kết nối sản phẩm OCOP khu vực ASEAN | |
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP | |
Tìm thị trường cho sản phẩm OCOP |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, tính đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận 1.649 sản phẩm OCOP. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, đồ uống 35 sản phẩm, thảo dược 17 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, vải và may mặc 14 sản phẩm.
Hiện, các sản phẩm OCOP đã và đang tạo dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Rất nhiều các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã và đang đổi mới, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp cho các sản phẩm ngày càng đạt chất lượng cao.
Các sản phẩm OCOP từng bước được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Quang Vinh. |
Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã liên kết chặt chẽ với các hộ chăn nuôi để phát triển các sản phẩm từ sữa bò, tích cực tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội.
Ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hợp tác xã Phù Đổng chia sẻ, thời gian qua, hợp tác xã đã từng bước nâng cấp sản phẩm sữa, phát triển thêm các mặt hàng sữa chua. Đồng thời, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để tham gia Chương trình OCOP. Hiện hai sản phẩm của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng.
Do được đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại nhất và sản xuất theo dây chuyền khép khín, nên tất cả các sản phẩm được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng.
Theo ông Trọng, việc được cấp sao đã giúp hợp tác xã khẳng định được chất lượng của các sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, để các sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tăng cường đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất, chế biến khép kín nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm. Cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP cũng là bài toán cấp thiết được đặt ra.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP của các chủ thể thuộc 18 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.
Là đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã và đang khẳng định được thương hiệu của sản phẩm gốm không chỉ trong nước và còn trên thị trường xuất khẩu.
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty chia sẻ, Quang Vinh có định hướng chính là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều loại sản phẩm đến từ nhiều nước phát triển trong lĩnh vực này, nhất là Trung Quốc.
Sản phẩm gốm của Quang Vinh là sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ. Các họa tiết, tạo hình được thực hiện thủ công tạo nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố truyền thống của tinh hoa Việt Nam thì cũng rất cần phải đổi mới sáng tạo, đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Vừa qua, 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng 5 sao trong Chương trình OCOP. Đây cũng là các sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất cho đến nay của Hà Nội.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, việc ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để sản xuất, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm được chứng nhận OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển.
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết các vấn đề căn bản như xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...
Đồng thời, các chủ thể có sản phẩm OCOP cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.