Kết nối sản phẩm OCOP khu vực ASEAN
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP | |
Tìm thị trường cho sản phẩm OCOP | |
OCOP mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp |
Hợp tác win - win cùng phát triển
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh về sự cần thiết phải phát triển mạng lưới ngành nghề nông thôn tại Hội thảo khởi động Sáng kiến của Việt Nam về “Thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.
Theo ông Ngọc, năm 2018, khi Chính phủ Việt Nam phát động chương trình OCOP, thì tại Lào đã có 171 chủ thể ODOP (mỗi quận huyện một sản phẩm) và 647 sản phẩm. Còn tại Thái Lan có 61.582 chủ thể OTOP (mỗi xã một sản phẩm) và 126.462 sản phẩm.
Đến thời điểm này, Việt Nam có 8.340 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng (bình quân tăng 17,6%/năm), giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.
Sản phẩm mây tre đan Việt Nam rất được khách hàng ưa chuộng. |
Giới chuyên gia cũng cho rằng các sản phẩm OCOP của những nước trong khối ASEAN có nhiều sự tương đồng với nhau. Nếu cùng hợp tác, tạo thành khối thống nhất, vừa phát huy được lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia thì sản phẩm OCOP toàn khối sẽ phát triển bền vững. Các nước ASEAN có dân số gần 650 triệu người và ước đón trung bình 144 triệu khách du lịch quốc tế; nếu mỗi người mua khoảng 50 USD sản phẩm nông thôn thì doanh thu dự kiến của các sản phẩm nông thôn cho thị trường du lịch có thể đạt 7,5 tỷ USD/năm.
Sáng kiến “Thiết lập mạng lưới phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm” (gọi tắt là ASEAN OCOP NETWORK) do Việt Nam đề xuất đã được phê duyệt tại Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 42 (AMAFF42).
Ông Nguyễn Hà Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho hay, khu vực ASEAN được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa trong phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP
Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, các nước có thể cùng nhau nâng cao năng lực sản xuất của các đơn vị sản xuất/dịch vụ nông thôn trong một quốc gia thông qua hợp tác khu vực; tăng cường thương mại nội vùng cho các sản phẩm nông thôn; tăng cường xuất khẩu hàng hóa nông thôn trong nước/khu vực ra thế giới.
Dẫn một nghiên cứu điển hình về kinh doanh tơ lụa ở Việt Nam - Lào và Campuchia, thì Lào chỉ có thể sản xuất hàng năm 20 tấn sợi tơ trong nước, nhưng nhu cầu tiêu thụ 250 tấn/năm. Như vậy, mỗi năm nước này phải nhập khẩu hơn 200 tấn tơ. Có 5 vấn đề lớn mà ngành tơ lụa nước này phải đối mặt gồm: Thiếu cơ sở nghiên cứu và phát triển; năng suất giống dâu tằm địa phương quá thấp; trứng tơ tằm trôi nổi; kỹ thuật xử lý thấp trứng; giá sợi không kiểm soát được.
Tương tự, sản phẩm tơ lụa ở Campuchia có tiềm năng rất lớn với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Nhưng sản phẩm tơ lụa ở đây cũng đang phải đối diện với 4 vấn đề lớn: thiếu khoảng 300 tấn sợi mỗi năm; thiếu kỹ năng sản xuất sợi; giá sợi không ổn định; chi phí hoàn thiện cao.
Lào và Campuchia đang thiếu hụt khoảng 500 tấn sợi hàng năm. Hiện sợi tơ tằm nhập khẩu vào 2 quốc gia này chủ yếu qua đường tiểu ngạch và giá cả luôn biến động. Thực trạng đó cho thấy, mô hình hợp tác có thể bao gồm đầu tư từ Việt Nam sang Lào, Campuchia để sản xuất sợi tơ tằm. Bên cạnh đó, có thể triển khai hợp tác chuyển giao nghề ươm sợi tơ tằm và dệt sang Lào và Campuchia.
Trở lại vấn đề Thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình OCOP, ông Lê Bá Ngọc cho rằng, hoạt động của mạng lưới này cần tập trung xoay quanh 8 vấn đề cơ bản gồm: Nâng cao năng lực; thiết kế và phát triển sản phẩm; hội chợ và triển lãm; tiếp cận và phát triển thị trường; các sản phẩm quảng bá, sáng tạo; các sự kiện giao lưu văn hóa; tham quan học tập chuyên ngành; nhóm công tác kỹ thuật.
Mạng lưới này cung cấp các khóa đào tạo khác nhau để xây dựng và nâng cao năng lực cho các cán bộ Chính phủ, các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của địa phương. Các khóa đào tạo bao gồm nhiều chủ đề khác nhau dựa trên nhu cầu của những người tham gia quốc gia… luôn thực tế và tiếp cận theo định hướng thị trường. Về tiếp cận và phát triển thị trường, có thể phát triển cửa hàng trực tuyến sử dụng các kỹ thuật mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 hay phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các quốc gia khác nhau.
Mỗi quốc gia sẽ có những cách đi khác nhau để phát triển chương trình OCOP nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế. Việc thiết lập Mạng lưới Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm có nhiều mục tiêu. Trong đó, cùng với việc gắn kết giữa các nhà sản xuất, đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc kết nối quảng bá để hỗ trợ phát triển thương mại sản phẩm ngành nghề nông thôn trong và ngoài nước của các quốc gia ASEAN sẽ góp phần giới thiệu, kết nối thị trường, hình thành mạng lưới thương mại hiệu quả và bền vững giữa các quốc gia đối với các sản phẩm ngành nghề nông thôn.