Để đảm bảo thu cho ngân sách Nhà nước
Cơ cấu nguồn thu ngân sách | |
Thoái vốn tỷ đô | |
Chuyện bán vốn ở Vinamilk: Ai sẽ là nhà tư vấn cho SCIC |
Với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 9 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh CPH, cơ cấu lại DNNN. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, đã có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 11/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017 như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom).
Ảnh minh họa |
Tổng giá trị thực tế của 34 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng. Trong tháng 9/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phương án CPH Công ty TNHH MTV DL - TM Kiên Giang.
Đáng nói là số lượng các DN đã CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán còn lớn. Theo Văn phòng Chính phủ ngày 13/7 có 730 DN CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên sau khi rà soát, bổ sung, con số 747 DN CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán này đã được Bộ Tài chính công khai danh tính trên trang thông tin điện tử của mình vào ngày 15/8/2017.
Nhưng tồn tại cố hữu của CPH như một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai. Một khó khăn khác được chỉ ra là đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN. Việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm. Với 46 DN các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 DN chưa thống nhất chuyển giao về SCIC.
Để đảm bảo nguồn thu đáp ứng cho NSNN từ CPH và thoái vốn nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội giao nhằm cân đối cho nhu cầu vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trước ngày 1/12/2017.
Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước. Cục Tài chính DN trình Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC thực hiện bán 3,33% cổ phần của SCIC tại Vinamilk theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Bộ Tài chính cũng kêu gọi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước theo tiến độ đã được phê duyệt tại Danh mục kèm theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đảm bảo một đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình CPH, thoái vốn và tái cơ cấu DNNN cũng như cho phép nêu tên phê bình các bộ, ngành và DNNN không thực hiện báo cáo theo quy định.