Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Gạo hữu cơ chinh phục châu Âu | |
Sản phẩm OCOP giúp nông sản Việt vươn xa |
Vừa qua, Trung Quốc thông báo mở các cửa khẩu biên giới với Việt Nam để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Trần Phương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển tổ yến Việt Nam, ngay khi tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác phía bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam và rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ và mong muốn Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống của Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 (Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm theo Lệnh 249.
Nhiều nông sản Việt đang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, cục đã hoàn thành việc hướng dẫn cấp mã số cho các nhà yến cũng như các hang yến để thực hiện kiểm soát theo đúng yêu cầu của Trung Quốc và sẽ trình Bộ NN&PTNT ban hành sớm nhất.
Ông Chinh lưu ý các cơ sở nuôi yến cần đăng ký theo quy định, các cơ sở xuất khẩu yến phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi chim yến theo quy định, các sản phẩm tổ yến phải đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, điều kiện chăn nuôi. Khi các cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu sẽ cần đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Chăn nuôi. Dựa theo hồ sơ và tài liệu, cục sẽ xem xét cấp mã số cho các nhà yến và các cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu đi 55 quốc gia, một số thị trường chính của công ty là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Doveco luôn coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng.
Năm 2022, Doveco đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021. Doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo chính ngạch. Hiện Doveco đang xuất khẩu các mặt hàng như dứa, xoài, sầu riêng, thanh long, chanh leo quả tươi, chanh leo chế biến, xuất khẩu sản phẩm chuối vào các tỉnh phía Bắc Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh. Bên cạnh đó, tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, các sản phẩm trái cây và khoai lang của Vĩnh Long hiện đang xuất khẩu đi nhiều quốc gia, trong đó tập trung ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, diện tích sản xuất tại địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, số lượng mã số vùng trồng ở Vĩnh Long còn khá ít. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào trồng cây ăn quả, khoai lang và thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu.
Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm 24%.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Quốc gia này cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%, cao su với tỷ trọng 71%, sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%.
Chia sẻ về vai trò của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trong hợp tác kinh tế, thương mại hai nước, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn được như kỳ vọng. Năm 2022, kim ngạch thương mại Vân Nam - Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các bộ, ngành phía Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu từ Lệnh 248, 249 rất cao, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn...