Sản phẩm OCOP giúp nông sản Việt vươn xa
Sản phẩm OCOP lên môi trường số | |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các chủ thể OCOP | |
Kết nối sản phẩm OCOP khu vực ASEAN |
Những năm gần đây, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của các địa phương, từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển một cách bài bản, trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của các địa phương. Những sản phẩm OCOP dần được các chủ thể nâng tầm để đáp ứng yêu cầu thị trường và vươn ra chinh phục thị trường thế giới.
Những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi…, song với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của người dân, huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cần quan tâm đến các vấn đề như tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm |
Trong năm 2022, tổng giá trị sản phẩm chủ yếu của địa phương đạt 13.098 tỷ đồng, bằng 100,03% kế hoạch; tăng trưởng kinh tế tăng 10,44% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 59,4 triệu đồng, bằng 102,41% kế hoạch, tăng 9,3% so với năm 2021.
Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, chính quyền huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng cây trồng. Đặc biệt, Cư M’gar có 11 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm này bước đầu đã có chỗ đứng trên thương trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định như cà phê hạt Trung Hoà đặc biệt; cà phê bột Trung Hoà (Công ty cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa); viên nghệ mật ong (hộ kinh doanh Trần Thị Kim Luyến); cà phê bột DIVUS (HTX Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến)… được thị trường chấp nhận, góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu cho địa phương và tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, sau 4 năm chương trình OCOP được triển khai, đến nay địa phương có 72 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực.
Đặc biệt, không ít sản phẩm OCOP còn khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ví như, sản phẩm mắc ca (đạt OCOP 4 sao) của Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đã chinh phục thành công thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất đối với hàng nông sản.
Theo Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương, doanh nghiệp không ngừng cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn, hướng tới chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Pháp, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng khá lớn. Doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện hồ sơ để xét thăng hạng sản phẩm lên 5 sao trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, Đăk Lăk có tiềm năng lớn về những sản phẩm nông nghiệp đặc thù và có lợi thế về sự đa dạng. Đây chính là những giá trị khác biệt của sản phẩm OCOP địa phương; các chủ thể xem đây là lợi thế so sánh, cần khai thác tốt để thu hút người tiêu dùng đến để trải nghiệm và thưởng thức. Đồng thời, hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn; phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể đến du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP đạt giá trị cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng, Đăk Lăk cần nỗ lực hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân trong sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp; xử lý những bất cập trong cấp mã số vùng trồng cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin thị trường của nông dân…
Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành các chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển; có định hướng mang tính chiến lược cho sản phẩm OCOP…