Để đồng phục là sự “đồng lòng”
Giá và chất lượng chưa tương xứng
Hiện không có quy định bắt buộc phụ huynh, học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng từ lâu, mỗi nhà trường, phụ huynh đều cho rằng việc học sinh mặc đồng phục khi đến trường là điều cần thiết, tạo thành một thói quen giúp các em rèn luyện tính kỷ cương, phát huy tinh thần đoàn kết, xóa nhòa khoảng cách về điều kiện gia đình, xuất thân… và vun đắp tình yêu, niềm tự hào với trường, lớp.
Dù ủng hộ việc sử dụng đồng phục nhưng chị Nguyễn Ngọc Ánh (TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) bày tỏ, mỗi khi vào năm học mới chị lại "đứng ngồi không yên", nhất là những năm chuyển giao giữa cấp học. Giá trung bình mỗi bộ đồng phục khoảng 250-300 nghìn đồng/bộ. Để phục vụ cho cả năm học, chị phải mua ít nhất 2 bộ đồng phục hè, 1 bộ đồng phục thu - đông và 1 bộ đồng phục thể thao. Như vậy, nếu gia đình mua sẽ phải chi trọn bộ trong bảng kê danh sách đồng phục lên tới gần 2 triệu đồng.
Học sinh hồ hởi bước vào năm học mới. |
Đối với những phụ huynh có nhu cầu đặt may riêng đồng phục theo mẫu của nhà trường, giá thành cũng là một vấn đề nan giải. Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí nguyên phụ liệu để may đồng phục học sinh năm học này đã tăng giá khoảng 10-20% so với năm học trước. Cụ thể, vải may quần đồng phục màu xanh, đen, có giá khoảng 110-130 nghìn đồng/m, vải may áo đồng phục trắng khoảng 130 nghìn đồng/m, vải áo dài 250-350 nghìn đồng/m. Đây là mức giá chung, giả cả còn tùy thuộc vào từng loại vải và số lượng mỗi lần mua. Ngoài tiền mua vải, phụ huynh cũng phải trả thêm tiền công may từ 120-350 nghìn đồng/bộ.
Bên cạnh nỗi lo về giá, không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng chất lượng của những bộ đồng phục. Chị Ngọc Anh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết, học sinh đều thuộc nhóm tuổi ưa vận động nên đồng phục cũng phải đảm bảo được làm rộng rãi với chất liệu thoáng mát, dễ thấm mồ hôi và không gây kích ứng da. Tuy nhiên, một số bộ đồng phục do nhà trường cung cấp hiện nay chưa đảm bảo được điều kiện này. Nếu đặt may theo mẫu của nhà trường bằng chất liệu mình ưng ý lại không được chấp nhận vì không đúng quy cách, còn nếu dùng đúng mẫu nhà trường cấp thì mặc sẽ rất bí, nhất là những trẻ có làn da nhạy cảm.
Đặc biệt, trong những ngày qua, không ít phụ huynh, học sinh phản ánh một số trường không chỉ quy định về quần áo đồng phục mà còn yêu cầu toàn bộ học sinh phải mang giày vải, mua balo, cặp sách, thậm chí cả vở theo mẫu mà trường bán. Một trường cấp hai tại TP. Hồ Chí Minh quy định, học sinh phải có giày vải với hai màu đen và trắng. Vì giày có chất liệu dày, lâu khô trong khi thời tiết mưa nắng thất thường, phụ huynh bắt buộc mua ít nhất 2 đôi để thay đổi. Cặp sách cũng được quy định là màu nâu, nếu phụ huynh tự mua sẽ dùng màu đen.
Không gây áp lực cho phụ huynh, học sinh
Trong văn bản mới ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận dù đã có hướng dẫn song một số trường trên địa bàn đã tổ chức mua, may đồng phục cho học sinh, sinh viên chưa đúng quy định, gây tốn kém, bức xúc cho gia đình, dư luận xã hội, nhất là vào đầu năm học mới. Do đó, trong năm học này, các trường tuyệt đối không in phù hiệu trên áo, không may thêm các họa tiết như cà vạt, nơ, viền... trên đồng phục; không bắt buộc học sinh may, mua đồng phục mới vào đầu năm học; mẫu đồng phục phải đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, thời tiết, dễ tìm mua, đáp ứng quy định hiện hành và không tạo ra sự khác biệt giữa các học sinh; các huyện, thị xã, thành phố; thanh tra ngành giám sát, tránh sai sót, lạm thu trong quá trình mua, may đồng phục cho học sinh...
Tương tự, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cũng vừa có công văn gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường, theo đó phụ huynh, học sinh không bắt buộc phải mua đồng phục mới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng phục phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua, không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Không chỉ vậy, có địa phương đã dùng biện pháp mạnh, nghiêm cấm bán đồng phục trong trường học. Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước nghiêm cấm mọi hoạt động mua, bán đồng phục trong nhà trường để việc mặc đồng phục của học sinh được thực hiện đúng mục đích, giảm bớt khó khăn cho gia đình học sinh; giải quyết tình trạng tại một số địa phương và nhà trường, việc tổ chức mặc đồng phục cho học sinh chưa thực hiện đúng Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Dưới góc độ của nhà trường, ông Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Nam Định) cho biết, hiện nhà trường chỉ đưa ra mẫu mã, quy cách để phụ huynh mua và tự may hoặc liên hệ với các nhà may để có giá phù hợp chứ không áp đặt hoặc giới thiệu bất cứ công ty, doanh nghiệp nào. Việc quy định phải mua mới đồng phục sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của phụ huynh, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng việc mặc đồng phục là cần thiết vì mặc đồng phục tạo ra nét đặc trưng riêng của mỗi nhà trường tránh gây tình trạng không phù hợp với môi trường sư phạm, thậm chí phản cảm. Ngoài ra, khi ra khỏi cổng trường, phụ huynh, người dân có thể phân biệt được học sinh của trường nào để kịp thời phản ánh, thông tin trong trường hợp khẩn cấp hay xảy ra bất trắc.
Bên cạnh đó, một chuyên gia cho rằng, bản thân phụ huynh cũng cần có hướng dẫn, giáo dục con em mình trong việc giữ gìn và bảo quản đồng phục. Nếu học sinh giữ gìn quần áo sạch sẽ thì vẫn sử dụng được sang năm học sau, giúp gia đình tiết kiệm một khoản chi không nhỏ mỗi năm học mới, nếu không mặc có thể mang tặng các bạn, các em có hoàn cảnh khó khăn, qua đó góp phần giáo dục con em mình phát huy tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí như lời bác Hồ dạy, biết giữ gìn, nâng niu và trân trọng những gì mình đang có.